Năm vấn đề nổi bật từ buổi điều trần của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 13/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions một mực phủ nhận gặp gỡ quan chức Nga cũng như ra sức bênh vực Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions (ảnh, giữa) ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ảnh: EPA/TTXVN

Sau cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey, đến lượt Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions ngày 13/6 điều trần công khai trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ông Sessions luôn khẳng định mình sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến các cuộc trò chuyện giữa mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump song trong suốt hai tiếng rưỡi diễn ra phiên điều trần, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có những câu trả lời nằm ngoài dự đoán.

1. Ông Sessions có gặp riêng Đại sứ Nga Sergey Kislyak hay không?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ có một mục đích ưu tiên – bảo vệ bản thân sau khi cựu Giám đốc FBI ném ông vào giữa dòng nước xoáy liên quan đến Nga. Đối mặt với lời tiết lộ của ông Comey về những lần tiếp xúc của mình với giới chức Nga trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, mở đầu phiên điều trần Bộ trưởng Sessions phủ nhận quả quyết: “Tôi không có bất kỳ cuộc gặp riêng nào, cũng như không hề nhớ có bất kỳ cuộc nói chuyện nào với quan chức Nga ở khách sạn Mayflower. Tôi không tham gia bất kỳ cuộc gặp nào trong thời điểm đó, riêng biệt, trước khi diễn ra buổi diễn thuyết có sự tham gia của Tổng thống. Tôi có mặt ở lễ đón với ít nhất trên hai chục nhân viên và Tổng thống Donald Trump”.

Tuy nhiên, đến phần trả lời những câu hỏi căng thẳng kế tiếp, Bộ trưởng Sessions lại từ từ hé lộ nhiều tình tiết.

Chỉ ít lâu sau lời nói mở đầu, ông Sessions cho rằng nếu có nói chuyện với Đại sứ Kislyak, thì ông "có thể đảm bảo, chắc chắn không có gì là không đúng". "Nếu tôi có nói chuyện với ông ấy, điều đó có thể hiểu được. Chỉ là tôi không nhớ về chuyện đó”, Bộ trưởng Sessions khẳng định.

Sau cùng, dưới sức ép căng thẳng từ Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Bộ trưởng Sessions lên tiếng giải thích: “Vậy các ông có để tôi nói rõ vấn đề? Nếu tôi không làm rõ, các ông sẽ buộc tội tôi nói dối. Chính vì vậy, tôi cần phải đúng nhất có thể. Và tôi không thể bị dồn ép nhanh như thế này, điều đó khiến tôi thấy lo sợ”.

2. Ông Sessions tự ý rút khỏi vụ điều tra Nga


Kể từ khi chính thức được chấp thuận giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Sessions chưa một lần nào nghe báo cáo về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.  Ông cũng thừa nhận không chắc chắn 100% liệu Nga có tấn công mạng hay không vì ông chỉ đọc tin tức truyền thông về vấn đề này.

Ngày 2/3, phát biểu tại cuộc họp khẩn, ông Sessions tuyên bố tự cách ly mình khỏi vấn đề liên quan tới chiến dịch của ông Trump, cũng như không tham gia vào cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ để đảm bảo tính công bằng.

Trong phiên điều trần tuần trước, cựu Giám đốc FBI Comey cho rằng đến tận 14/2, ông tin ông Sessions chưa đứng ngoài các vấn đề liên quan đến chiến dịch của ông Trump. Trên thực tế, theo lời của Bộ trưởng Sessions, ông tự rút lui hai tuần trước đó.

Tuy nhiên tất cả các lời khai này đều nảy sinh một câu hỏi. Tại sau ông Session phải đợi một tháng sau mới công bố cho công chúng và những người cộng tác với mình rằng ông đã đứng sang một bên vụ điều tra Nga.

3. Ông Sessions vì hối lỗi nên ra sức bảo vệ Tổng thống Trump?

Hiện vẫn không rõ liệu rằng Bộ trưởng Sessions có phải đang tỏ thái độ hối lỗi với Tổng thống Donald Trump sau khi mối quan hệ của hai người trở nên căng thẳng vì ông Sessions tự ý cách ly khỏi vụ điều tra Nga, nhưng ông đã làm rất tốt công việc bảo vệ Nhà Trắng trong phiên điều trần.

Cụ thể, Bộ trưởng Sessions bênh vực Tổng thống Donald Trump khi nói về cuộc gặp riêng hôm 14/2 giữa cựu Giám đốc FBI và Tổng thống – mà trong đó theo lời khai nhận của ông Comey, Tổng thống đã yêu cầu ông dừng điều tra cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn.

Đầu tiên, Bộ trưởng Sessions phản bác lời tường thuật của ông Comey cho rằng khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh mọi người rời khỏi phòng họp hôm đó, chỉ để lại mỗi mình ông Comey, Bộ trưởng Sessions không muốn rời phòng vì cảm thấy có điều gì không đúng.

Ông Sessions khẳng định với Thượng nghị sĩ Marco Rubio: “Tôi đã rời khỏi phòng. Đối với tôi điều đó dường như không phải là vấn đề quá quan trọng. Tôi biết Giám đốc Comey, có kinh nghiệm lâu năm tại Bộ Tư pháp, có thể giải quyết tốt mọi chuyện”.

Sau đó, ông Sessions cho biết ông chưa bao giờ nói chuyện với Tổng thống Trump một mình và “Tổng thống cũng không nói rõ mình đang lo lắng về vấn đề gì”.

Cuối cùng, Sessions trực tiếp chỉ trích cựu Giám đốc FBI vì những lời khai trong phiên điều trần diễn ra tuần trước: “Đó là lời bóng gió nói về tôi bị rò rỉ ra ngoài… và tôi không đánh giá cao việc đó”.

Phát biểu trên chiếc Không lực Một hôm 13/6, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thống không có thời gian xem hết phiên điều trần, nhưng từ “những gì ông ấy thấy và nghe được, Tổng thống nghĩ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sessions đã làm rất tốt và nêu rõ luận điểm không có bất kỳ sự cấu kết nào giữa Nga và ban vận động tranh cử của ngài Trump”.

4. Thượng nghị sĩ Cộng hòa xếp hàng ‘bênh’ ông Sessions

Trong phiên điều trần cựu Giám đốc FBI tuần trước, không có một ai “nói đỡ” cho Nhà Trắng, mặc dù phân nửa số người ngồi trong đó bao gồm các Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa.

Tuy nhiên trong buổi điều trần Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng giúp đỡ ông Sessions. Có thể họ không thích nhìn một trong những người đồng nghiệp của mình, phục vụ trong Thượng viện 20 năm, trở thành tiêu điểm của quốc gia hứng chịu những ánh mắt dò xét.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton – người luôn luôn bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Donald Trump và làm việc với ông Sessions khi ông còn ở trong Thượng viện – đề nghị giúp đỡ khi vẽ lên một bức tranh châm biếm: “Các ông đã bao giờ ở trong tình huống nghe được câu chuyện nực cười về một thượng nghị sĩ Mỹ còn đương vị và một đại sứ của chính phủ nước ngoài câu kết với nhau trước mặt hàng trăm người khác để tiến hành một vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp?”.

5. Ông Sessions vẫn chưa bị điều tra xong

Thượng nghị sĩ Mark Warner – thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện – trong lời nói đầu đã nêu rõ họ đã lên kế hoạch thẩm vấn ông Session tiếp trong năm nay. Các nhà lập pháp trong suốt phiên điều trần cũng gây sức ép bắt ông Sessions phải cung cấp thư điện tử và các tài liệu liên quan cho họ.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Donald Trump có buộc phải can thiệp để ông Sessions không phải ra điều trần lần nữa hay giao các tài liệu được yêu cầu cho các nhà điều tra.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Động thái mới của Điện Kremlin trong khủng hoảng vùng Vịnh
Động thái mới của Điện Kremlin trong khủng hoảng vùng Vịnh

Theo thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia vùng Vịnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN