Marta Esperti, một nghiên cứu sinh thích đi du lịch và rèn luyện sức khỏe, đã phải đợi 1 năm trước khi có thể thuyết phục các bác sĩ xem xét các triệu chứng của cô ấy một cách nghiêm túc.
Trước đó, trong suốt 18 tháng, Marta Esperti chỉ nhận được một câu trả lời quen thuộc là: "Bạn sẽ phải đợi, các triệu chứng sẽ tự hết". Tuy nhiên, cô cảm thấy chờ đợi không phải là giải pháp khi cơn sốt, nôn ói, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, mất trí nhớ và độ bão hòa oxy thấp ở mức nguy hiểm vẫn tồn tại hơn một năm sau khi cô mắc COVID-19. Esperti cho biết từ một người năng động, thích hoạt động bên ngoài, giờ đây sức lực lúc nào cũng như cạn kiệt, ngay cả khi chỉ đang nấu một bữa trưa.
Sau khi thăm khám nhiều bác sĩ chuyên khoa ở Pháp và quê hương Italy, tự trang trải nhiều chi phí y tế, cuối cùng bác sĩ chẩn đoán Esperti bị mắc hội chứng "COVID-19 kéo dài” (Long COVID-19). Nhiều lần thăm khám đều cho thấy tim và phổi của cô bị tổn thương đáng kể. Esperti cảm thấy tức giận vì tình trạng của cô không được quan tâm.
Giới y khoa cho rằng Esperti là một trong số hàng triệu người tiếp tục phải chịu những tác động kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng sau khi bị mắc COVID-19. Những triệu chứng này thông thường từ mệt mỏi, sương mù não (một dạng rối loạn chức năng nhận thức, tập trung) đến khó thở.
Theo một báo cáo do các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London ở Anh tiến hành, khoảng 15% bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn có một số triệu chứng sau 12 tuần, thậm chí dài hơn. Phụ nữ và bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn, song nam giới và trẻ em cũng có nguy cơ mắc hội chứng này.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những nguyên nhân sâu xa có thể khiến tình trạng bệnh trở nên khó chẩn đoán và điều trị hơn. Đối với nhiều người có biểu hiện bệnh kéo dài, hành trình thăm khám bác sĩ sẽ vẫn là một vấn đề nan giải.