Theo kênh CNN, trước đây, biến đổi khí hậu thường thể hiện ở những nơi hẻo lánh như Bắc Cực, nơi mà gấu Bắc Cực không còn môi trường băng để săn mồi, hoặc ở những nước đang phát triển, nơi mực nước biển dâng và hạn hán cực đoan diễn ra.
Thế nhưng, trong tháng vừa rồi, chính các nước phát triển phải hứng chịu hậu quả biến đổi khí hậu.
Mới đây, lũ lụt đã nhấn chìm đường phố, “nuốt chửng” nhà cửa tồn tại hơn thế kỷ qua ở làng Schuld, Đức. Cảnh ngập lụt chưa từng có cũng xảy ra ở nhiều nước châu Âu khác như Luxembourg, Bỉ…
Một thị trấn chỉ có 250 dân ở Canada vốn nổi tiếng với không khí vùng núi mát mẻ nay bị cháy rừng thiêu rụi trong thời tiết nắng nóng gần 50 độ C chưa từng có tiền lệ.
Tại miền tây nước Mỹ, vài tuần sau đợt nắng nóng lịch sử, 20.000 người đã được triển khai để dập 80 đám cháy lớn thiêu trụi 4.047km2.
Bà Merritt Turetsky, Giám đốc Viện Nghiên cứu Alpine và Bắc Cực, hi vọng các sự kiện thời tiết gần đây ở thế giới phát triển sẽ khiến các nước phải hành động. Từ trước tới nay, thế giới phát triển vốn nghĩ biến đổi khí hậu chỉ ảnh hưởng tới những người ở rất xa họ và thường gác lại kế hoạch hành động. Còn hiện nay, đã tới lúc mà mọi người trên hành tinh đều cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu.
Trước tình trạng đó, các nhà hoạt động khí hậu và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan đang kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng ta phải khẩn trương, nhanh hơn trong chống biến đổi khí hậu”.
Một số nước phát triển như Mỹ đã cam kết nhiều hơn trong giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Liên minh châu Âu đã thông báo kế hoạch tham vọng, đưa khí hậu thành trọng tâm của mọi sáng kiến kinh tế và phát triển.
Dù vậy, nhiều nhà hoạt động cho rằng cam kết trên vẫn chưa đủ đủ để kiềm chế mức nhiệt toàn cầu trung bình tăng ở mức 1,5 độ C – mức mà có thể tránh hậu quả hủy diệt của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, hàng chục năm qua, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo rằng khủng hoảng khí hậu sẽ khiến thời tiết ngày càng cực đoan. Họ nói khủng hoảng khí hậu sẽ gây chết người và xảy ra thường xuyên hơn. Nhưng nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi những kỷ lục về mưa lụt và nắng nóng lại lớn như vậy.
Từ những năm 1970, các nhà khoa học dự báo khá chính xác mức độ mà thế giới sẽ ấm lên. Nhưng mô hình dự báo của họ ngày càng khó dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ông Michael E. Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất tại Đại học bang Pennsylvania, cho rằng thời gian vài tuần qua cho thấy hạn chế của các mô hình biến đổi khí hậu. Ông nói: “Có một nhân tố quan trọng với nhiều sự kiện kiểu này, trong đó có vòm nhiệt ở phía tây mà mô hình thời tiết không dự báo được. Các mô hình đang đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên những sự kiện thời tiết cực đoan như vậy”.
Trong các mô hình khí hậu, thời tiết hàng ngày chỉ là tình trạng nhiễu. Chỉ có những sự kiện cực đoan nhất mới có tín hiệu rõ ràng, nổi bật. Tín hiệu này xuất hiện từ tình trạng nhiễu nhanh hơn mô hình dự báo. Tín hiệu trong thế giới thực đủ lớn để giới khoa học nhận ra trong thời tiết hàng ngày, cho dù các mô hình không nhận thấy.
Điều đó có nghĩa là các sự kiện lịch sử như lũ lụt ở Đức hay cháy rừng ở Canada không nằm trong dự báo. Để dự báo được điều đó, giới khoa học cần mô hình khí hậu mạnh hơn.
Ông Tim Palmer, Giáo sư vật lý khí hậu tại Đại học Oxford, kêu gọi xây dựng trung tâm mô hình toàn cầu, trong đó có các siêu máy tính để xử lý lượng lớn dữ liệu.
Theo ông Richard Allan, Giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading, mặc dù các sự kiện thời tiết cực đoan gần đây ở Bắc Bán cầu khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng chúng không phải là hoàn toàn bất ngờ. Ông nói: “Đây là điều mà khoa học đã luôn chỉ ra”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần máy tính mạnh hơn để có thể dự báo chi tiết hơn, chính xác hơn.