Hoàn cảnh đặc biệt của chuyến thăm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 càng làm nổi bật mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt Nga-Ấn được kiểm chứng qua thời gian, giữa lúc có nhiều ý kiến hoài nghi về tương lai của mối quan hệ này, khi New Delhi đang tăng cường can dự với Washington.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Putin tại New Delhi là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 giữa hai bên. Trong khi đó, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước cũng tổ chức cuộc họp 2 + 2 đầu tiên.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Modi đánh giá cao việc Tổng thống Putin đến Ấn Độ, nhấn mạnh "bất chấp những thách thức mà COVID-19 đặt ra, tốc độ phát triển của quan hệ Ấn Độ-Nga vẫn không thay đổi". Ông cho rằng dù thế giới trong vài thập niên qua đã nhiều thay đổi căn bản và nhiều yếu tố địa chính trị khác nhau, song quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa hai nước tiếp tục trở nên bền chặt hơn; mối quan hệ này "thực sự là một hình mẫu độc đáo và đáng tin cậy về tình hữu nghị giữa các quốc gia”.
Về phía Nga, Tổng thống Putin khẳng định coi Ấn Độ là một cường quốc trên thế giới, đất nước thân thiện và một người bạn đã được kiểm chứng qua thời gian, nêu rõ mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển và đều cùng hướng tới tương lai.
Sau hội nghị thượng đỉnh, hai nước ra Tuyên bố chung 99 điểm khẳng định quan hệ "Ấn Độ-Nga: Đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng". Hai bên tái khẳng định cam kết đối với quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền. Ngoài ra, hai nước đã ký 28 thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Về hợp tác song phương, hai bên nhấn mạnh mục tiêu thương mại 30 tỷ USD năm 2025; Ấn Độ khuyến khích Nga đầu tư vào 13 lĩnh vực chính theo các chương trình "Atmanirbhar" và "Make in India"; Nga hoan nghênh Ấn Độ hợp tác trong các dự án phát triển Vùng Viễn Đông Nga. Hai bên tiếp tục coi hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự là trụ cột của mối quan hệ; đề cao lộ trình hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới; hối thúc khởi động đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Về hợp tác đa phương, hai bên chia sẻ quan điểm trong việc củng cố chủ nghĩa đa phương, nêu bật vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc và tôn trọng luật pháp quốc tế; tái khẳng định cấu trúc an ninh khu vực mới nổi phải tự do, cởi mở, minh bạch và bao trùm, dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế; ghi nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh và hợp tác khu vực... Hai bên cũng nhấn mạnh cần nhanh chóng viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, duy trì phối hợp trong các Ấn Độ diễn đàn đa quốc gia như BRICS (gồm cả Brazil, Trung Quốc, Nam Phi), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải...
Nhận định về hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nga lần thứ 21, nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan cho rằng hai nước đã nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ trong bối cảnh có nhiều khác biệt mới nảy sinh trong vấn đề Afghanistan hay các mô hình liên minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi cả New Delhi và Moskva đồng thời cũng thúc đẩy liên kết với các đối tác khác.
Nga duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc; Ấn Độ cũng tham gia các liên minh do Mỹ dẫn dắt; cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh có thể khiến quan hệ giữa New Delhi và Moskva trở nên phức tạp hơn. Theo ông Mohan, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu Nga và Mỹ điều chỉnh quan hệ theo hướng hài hòa hơn, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc duy trì hòa bình và ổn định. Bên cạnh đó, Nga và Ấn Độ cần tiếp tục tăng cường khía cạnh chiến lược của mối quan hệ, đặc biệt nỗ lực hơn nữa thúc đẩy lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Hiện tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Nga ở mức 10 tỷ USD/năm, bằng 1/10 kim ngạch của Nga với Trung Quốc. Trong khi đó, con số này của Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc ở mức 100 tỷ USD. Nga nhận thức sâu sắc về sự mất cân bằng trong mối quan hệ giữa các cường quốc. Việc duy trì quan hệ đối tác truyền thống với Ấn Độ có giá trị chính trị nhất định đối với Nga. Do đó, thành công của hội nghị thượng đỉnh lần này không nằm ở việc khai thác tối đa quan hệ quốc phòng song phương mà nằm ở việc đặt ra một đường hướng rõ ràng cho hợp tác kinh tế mở rộng và sự hiểu biết sâu rộng hơn về nhiệm vụ của nhau đối với vấn đề Afghanistan và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phóng viên chuyên mảng ngoại giao của tờ The Economic Times (Ấn Độ) Dipanjan Roy Chaudhury cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, phần nào khẳng định tính đa cực trong địa chính trị và thể hiện nguyên tắc tự chủ chiến lược địa chính trị. Nga đang cho thấy Ấn Độ là đối tác ưu tiên trong số nhiều đối tác khác của Moskva.
Trước hết, việc Nga cung cấp cho Ấn Độ hệ thống tên lửa S-400 là minh chứng cho mối quan hệ đối tác quốc phòng kéo dài hàng thập niên giữa hai nước, với thị phần của Nga trong lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ luôn chiếm ưu thế. Thứ hai, hợp tác ở vùng Viễn Đông của Nga mang đến cơ hội to lớn cho Ấn Độ trong các lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến khách sạn, nông nghiệp hay đóng tàu. Đây sẽ là những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ với Nga.
Tiếp đó là quan hệ năng lượng. Thủ tướng Modi bày tỏ lạc quan rằng hai nước có thể cùng nhau mang lại sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu. Thứ tư là hợp tác tại khu vực Bắc Cực có lượng dự trữ dầu và khí đốt lớn của Nga. Cuối cùng là vấn đề Afghanistan bởi sau khi các nước phương Tây rút quân, mối đe dọa từ các nhóm cực đoan và khủng bố tại khu vực cũng gia tăng. Trong khi đó, suốt 7 thập niên qua, quan hệ đối tác của Ấn Độ với Liên Xô và sau đó là với Nga là một nhân tố tạo nên sự ổn định địa chính trị tại khu vực.
Có thể khẳng định rằng, việc Tổng thống Nga tới Ấn Độ, hai nước tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp và tiến hành cơ chế Đối thoại 2+2 đã góp phần nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, đặc quyền giữa hai nước lên tầm cao mới. Điều đó cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước trong việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa cấu trúc Ấn-Nga nhằm đảm bảo nâng cao mức độ hợp tác, phù hợp với lợi ích của cả hai.