Kênh RT (Nga) cho biết nhằm tìm hiểu về khả năng bảo vệ Trái Đất khỏi vật thể không gian nguy hiểm tiềm tàng, NASA quyết định điều tàu vũ trụ thử nghiệm thay đổi đường đi của một tiểu hành tinh bằng cách đâm vào nó. Sứ mệnh này được gọi là Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART) trị giá 330 triệu USD và thuộc chương trình "bảo vệ hành tinh" quy mô lớn hơn.
Một tàu thăm dò không gian sẽ được điều đi tiếp cận tiểu hành tinh cách Trái Đất khoảng 10,8 triệu km. Ông Lindley Johnson phụ trách Văn phòng Bảo vệ Hành tinh thuộc NASA trong buổi họp báo ngày 4/11 đã chia sẻ với các phóng viên rằng việc phát hiện những tiểu hành tinh mang rủi ro tiềm tàng là chìa khóa then chốt giúp Trái Đất an toàn. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống một tiểu hành tinh đang tiến về phía Trái Đất và khi đó phải kiểm tra khả năng này”.
Lịch trình dự kiến là tàu vũ trụ sẽ được đặt lên tên lửa SpaceX Falcon 9 phóng từ California ngày 23/11 và dự kiến tiếp cận tiểu hành tinh mục tiêu vào cuối tháng 9/2022. Con tàu di chuyển với vận tốc 24.000 km/giờ và sẽ đâm vào tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi có tên Dimorphos. Tiểu hành tinh này có đường kính 160m và xoay quanh hành tinh lớn hơn Didymos có đường kính tương đương chiều cao của tòa nhà Burj Khalifa (Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất) hiện giữ kỷ lục cao nhất thế giới.
Tàu vũ trụ của sứ mệnh DART nặng 550kg. Vụ va chạm không phá hủy tiểu hành tinh Dimorphos nhưng khiến nó lệch khỏi quỹ đạo. Tác động động học và hậu quả tức thì của vụ va chạm được quan sát bằng kính thiên văn trên mặt đất và bằng vệ tinh được trang bị camera thu nhỏ do tàu vũ trụ phóng ra trước khi va chạm. Sau đó, các nhà khoa học sẽ có thêm kiến thức về việc liệu có thể chuyển hướng tiểu hành tinh hay không và cần bao nhiêu thời gian để ngăn chặn một thảm họa thực sự.
Các nhà thiên văn ước tính hiện có khoảng 25.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất, đủ lớn để gây ra sự tàn phá khu vực nếu chúng vao vào Trái Đất.