“Chúng tôi sẽ đưa người xuống bề mặt Mặt trăng. Họ sẽ sống trên đó và thực hiện nghiên cứu khoa học”, đài Sputnik dẫn lời ông Howard Hu – Giám đốc chương trình tàu vũ trụ thám hiểm Orion của NASA – đưa tin.
Ông Howard cho biết những người được cử đi làm nhiệm vụ sẽ hỗ trợ các dự án khoa học quan trọng trên Mặt trăng.
Trước đó, ngày 16/11, NASA đã phóng thành công tàu vũ trụ Orion từ bang Florida để thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Artemis 1. NASA đã sử dụng hệ thống phóng không gian (SLS) - hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được cơ quan này chế tạo với 30 tầng - để phóng tàu Orion vào vũ trụ.
Artemis 1 là chuyến bay đầu tiên của SLS, nhằm đưa tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo, với mục tiêu thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện này trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3.
Chuyến bay thử nghiệm Artemis 1 dự kiến kéo dài 25 ngày, bay tới Mặt trăng rồi quay trở lại Trái đất vào ngày 11/12. Tàu Orion sẽ trải qua 5 - 6 ngày bay trong một quỹ đạo quanh Mặt trăng. Trong chuyến bay, các chuyên gia của NASA sẽ điều chỉnh quỹ đạo và kiểm tra mức độ sẵn sàng thực hiện sứ mệnh của tàu vũ trụ.
"Đó là bước đầu tiên chúng tôi thực hiện để khám phá chiều sâu không gian lâu dài, không chỉ cho Mỹ mà còn cho thế giới... Chúng tôi đang quay trở lại Mặt trăng, chúng tôi đang hướng tới một chương trình bền vững và đây là phương tiện sẽ chở con người trở lại Mặt trăng một lần nữa”, Giám đốc Howard chia sẻ.
Ông giải thích một trong những sứ mệnh khoa học là tìm hiểu xem có nước ở cực nam của Mặt trăng và nước này có thể được sử dụng để tạo ra nhiên liệu đẩy cho tên lửa để phục vụ một chuyến thám hiểm xa hơn như tới Sao Hỏa hay không.
Tàu Orion hiện mang theo một hình nộm nhằm mục đích ghi lại tác động của chuyến bay lên cơ thể con người. Trong trường hợp thành công, sứ mệnh thứ ba sẽ được khởi động sớm nhất là vào năm 2025 để đưa các phi hành gia, bao gồm nữ phi hành gia đầu tiên, lên Mặt trăng.