Đây là nhận định của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra ngày 24/1.
Nhà khoa học Jim Garvin của NASA cho biết sức công phá của vụ phun trào núi lửa tương đương với sức nổ của 5-30 triệu tấn TNT - một trong những loại chất nổ phi hạt nhân nhân tạo có sức công phá lớn nhất. Theo NASA, vụ phun trào có sức công phá mạnh gấp hàng trăm lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945 vốn được cho là tương đương sức công phá của 15.000 tấn chất nổ TNT . Theo thông tin của Đài Quan sát Trái Đất thuộc NASA, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tạo ra những cột tro bụi cao tới 40 km, các cơn sóng thần cao khoảng 1,2 m ập vào thủ đô Nuku'alofa của Tonga.
Cơ quan này cũng cho biết vụ phun trào đã xóa sạch dấu vết hòn đảo núi lửa nằm khoảng 65km về phía Bắc thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Đảo quốc với dân số khoảng 100.000 người bị bao phủ trong một lớp tro độc hại, nguồn nước uống bị nhiễm độc, hủy hoại mùa màng và xóa sổ ít nhất hai ngôi làng. Chính phủ Tonga xác nhận 3 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy sau vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần ở nước này. Vụ phun trào núi lửa còn gây ra những đợt sóng lan đến tận bờ biển Peru, khiến một tàu chở dầu đang dỡ hàng gần thủ đô Lima bị ảnh hưởng, gây sự cố tràn dầu nghiêm trọng dọc bờ biển nước này. Ngày 22/1, Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường dọc khu vực bờ biển. Đến nay, tại Tonga, thiệt hại do vụ phun trào núi lửa vẫn chưa được đánh giá đầy đủ do các kênh liên lạc với những hòn đảo xa đều đã bị gián đoạn.
Lực lượng quốc phòng các nước Nhật Bản, New Zealand và Australia đã tích cực gửi viện trợ cho Tonga, đặc biệt là nước sạch, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh Tonga là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới chưa ghi nhận ca bệnh nào.