Thông qua việc tích cực tuyên truyền, NATO đang "tấn công" nhằm biến Nga trở thành thủ phạm trong cuộc khủng hoảng hiện tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/4 cho biết trong một tuyên bố.Tuyên bố được đưa ra trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Nga nhằm đáp trả lại một số những cáo buộc của phương Tây gần đây nhằm đổ lỗi cho Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng ở châu Âu hiện nay.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng trong thời kỳ hậu Xô Viết, Moskva đã tích cực phát triển quan hệ hữu nghị với NATO, phối hợp cùng nhau để tháo dỡ các di sản thời Chiến tranh Lạnh, dù vẫn tồn tại những bất đồng về sự mở rộng của NATO sang phía đông, triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và không tuân thủ luật pháp quốc tế của liên minh này.
NATO cáo buộc, đổ lỗi cho Nga đã khích động bất ổn và bạo loạn ở miền đông Ukraine và dồn quân đến biên giới với nước này để sẵn sàng can thiệp. Ảnh: D.B |
"Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chúng tôi đã đã tiến hành các bước làm dịu căng thẳng ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và cắt giảm vũ khí thông thường ở châu Âu. Nga cũng đã thực hiện nghĩa vụ của Liên Xô cũ, rút quân khỏi Đông Âu và các nước vùng Baltic. Chúng tôi cũng nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về việc tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn", tuyên bố của Bộ trên cho biết.
Moskva cũng cáo buộc NATO vi phạm Tuyên bố Rome năm 2002 thông qua việc đứng về phía Gruzia trong cuộc xung đột quân sự chớp nhoáng năm 2008 và đóng băng tất cả các mối quan hệ với Nga.
Chính quyền Mỹ đã bỏ qua những cơ hội thực sự để xây dựng lại mối quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ khi ông Barack Obama đảm nhiệm cương vị tổng thống năm 2008. "Ngày 17/9/2009, Tổng thống Mỹ Obama công bố phương pháp tiếp cận thích ứng theo từng giai đoạn để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, bất chấp những mối quan ngại của chúng tôi", tuyên bố viết.
Theo các chuyên gia ước tính, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, nếu được triển khai với sự hỗ trợ bởi các đồng minh trong NATO, sẽ có thể đánh chặn tên lửa liên lục địa của Nga một cách hiệu quả vào khoảng giữa năm 2018 - 2020.
NATO vẫn được coi là một kẻ thù tiềm năng trong học thuyết quân sự chính thức của Nga. Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua Moskva đã tăng cường hợp tác với liên minh này, trong đó cho phép vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Nga tới Afghanistan.
Nga vẫn duy trì quan hệ với liên minh quân sự này của phương Tây một cách thận trọng. Theo cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi Trung tâm Levada (Nga) năm ngoái, 2/3 số người Nga được hỏi đã không xem NATO là một đối tác của Moskva, chỉ có 1 trong 7 người được hỏi nói rằng hợp tác với NATO là một điều tốt. Hiện NATO đứng thứ 13 trong danh sách các mối đe dọa từ bên ngoài đối với Nga, xếp sau chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn bán ma túy, các nước Trung Đông và Trung Quốc.
CT (Theo R.T)