Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu (EUCOM) cho biết ngày 4/1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ để phòng vệ trước các nguy cơ từ nước láng giềng Syria.
Tuyên bố của EUCOM, có trụ sở tại thành phố Stuttgart, miền Tây Nam nước Đức, nêu rõ quân đội Mỹ đã triển khai nhân sự và thiết bị đến căn cứ không quân Incirlik thuộc tỉnh Gaziantep nằm ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Alkara khoảng hơn 50 km để hỗ trợ việc triển khai sáu khẩu đội tên lửa Patriot của NATO theo yêu cầu của Ankara nhằm đối phó với các nguy cơ có thể đến từ cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài gần hai năm qua tại nước láng giềng Syria.
Tên lửa Patriot. Ảnh: Internet. |
Theo Phó Tư lệnh EUCOM Charles Martoglio, các khẩu đội tên lửa Patriot sẽ do NATO chỉ huy "ngay khi hoàn thành việc lắp đặt và các hệ thống sẽ sẵn sàng hoạt động trong vài tuần tới".
Cùng ngày, Lầu Năm Góc loan báo toán lính Mỹ đầu tiên đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò là nhóm tiền trạm chuẩn bị cho việc triển khai các khẩu đội tên lửa tại quốc gia thành viên NATO này.
Thông báo của Lầu Năm Góc cho biết nhóm 27 lính Mỹ đầu tiên cùng với các thiết bị quân sự đã được vận chuyển bằng đường không tới căn cứ không quân Inxơlích. Trong vài ngày tới, 400 lính Mỹ thuộc tiểu đoàn số 3 đóng tại căn cứ Fort Sill, bang Oklahoma, cũng sẽ có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ đầu tiên của nhóm tiền trạm 27 người là khảo sát các vị trí để triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot có khả năng đánh chặn tên lửa. Theo kế hoạch đã được nhất trí, Mỹ và hai đồng minh NATO là Đức và Hà Lan, mỗi nước sẽ triển khai 2 khẩu đội Patriot tại các khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Một số khẩu đội tên lửa Patriot, mỗi khẩu đội được biên chế từ 4-6 giàn tên lửa và một hệ thống rađa, dự kiến sẽ được triển khai vào cuối tháng 1 này, số còn lại cũng sẽ sớm được triển khai. Cùng với các khẩu đội tên lửa, ba nước đồng minh NATO cũng sẽ triển khai mỗi nước khoảng 400 binh lính để điều khiển các khẩu đội tên lửa này.
Trong khì EUCOM tuyên bố rằng việc triển khai các hệ thống tên lửa Patriot chỉ nhằm mục đích phòng vệ và sẽ không hỗ trợ một vùng cấm bay hay bất cứ hoạt động tấn công nào, các nhà chỉ trích vẫn cho rằng Mỹ và các đồng minh NATO có thể lợi dụng việc triển khai như một cái cớ để tiến tới thiết lập vùng cấm bay tại Syria như đã từng làm trước khi NATO phát động cuộc không kích vào Libi năm 2011 lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Nga, Trung Quốc và một số nước đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc Mỹ và NATO triển khai binh lính và tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm cho tình hình Syria và khu vực căng thẳng hơn. Thậm chí các chuyên gia phân tích và giới bình luận quân sự còn cho rằng đây có thể là bước đi tiếp theo của Mỹ và các đồng minh chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình đang ngày càng diễn biến phức tạp tại Syria.
TTXVN/Tin tức