Lực lượng NATO ngày 25/4 đã dội "mưa" bom xuống thủ đô Tripôli của Libi, san phẳng một toà nhà văn phòng trong dinh thự riêng của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, làm 45 người bị thương, trong đó có 15 người bị thương nặng. Đây là vụ không kích mạnh nhất nhằm vào thủ đô của Libi kể từ đầu chiến dịch của NATO đến nay.
Văn phòng của nhà lãnh đạo Libi Kadhafi bị oanh tạc trong vụ không kích của NATO vào thủ đô Tripôli ngày 25/4. Ảnh: Internet |
Theo hãng tin AFP, khu vực trung tâm Tripôli bị rung chuyển trong vụ oanh tạc trên. Cuộc không kích của NATO cũng làm một phòng họp đối diện với toà nhà văn phòng của ông Kadhafi bị hư hỏng nặng. Trước đó, các máy bay của NATO tối ngày 23/4 cũng đã tiến hành không kích quận Bab Al-Aziziya - nơi có tư dinh của ông Kadhafi.
Một quan chức Libi cáo buộc cuộc không kích của NATO là âm mưu ám sát ông Kadhafi. Trong khi đó, con trai ông Kadhafi, Saif al-Islam, tuyên bố, chính phủ Libi sẽ không sợ hãi trước những cuộc tấn công như vậy. Hãng thông tấn chính thức JANA của Libi dẫn lời ông Saif nhấn mạnh, NATO sẽ thất bại trong cuộc chiến Libi.
Trong khi đó, thành phố Misrata ngày 25/4 tiếp tục hứng chịu các đợt tấn công bằng tên lửa, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và 60 người bị thương, mặc dù lực lượng chính phủ Libi đã ngừng bắn tại thành phố này từ ngày 22/4.
Chính phủ của ông Kadhafi đã cáo buộc Mỹ tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm thấp Predator nhằm vào Tripôli và Misrata là "tội ác chống lại loài người kiểu mới".
Trong một diễn biến có liên quan, chính phủ Libi đang xúc tiến các cuộc thảo luận nhằm ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm kiếm một giải pháp hòa bình hiệu quả cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.
Ngày 25/4 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Libi Abdelati Obeidi đã lên đường đến Êtiôpi để thảo luận với Liên minh châu Phi (AU) về một kế hoạch hòa bình. Trước đó, Tripôli đã chấp nhận kế hoạch hòa bình do AU đề xuất, nhưng lực lượng chống chính phủ phản đối vì kế hoạch này không bao gồm việc nhà lãnh đạo Kadhafi từ chức.
Người phát ngôn của chính phủ Libi Mussa Ibrahim cho biết, Marốc cũng đã tham gia các nỗ lực hòa bình ở Libi. Trước đó, chính phủ Libi đã tiếp xúc với chính phủ các nước Nga, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Mỹ Latinh để thảo luận về khả năng ngừng bắn. Ông Ibrahim khẳng định, chính phủ Libi ủng hộ các sáng kiến hòa bình của cộng đồng quốc tế và cam kết trong thời gian tới Tripôli sẽ đẩy mạnh các nỗ lực này.
Xe tăng yểm trợ binh sĩ tiến vào Daraa (Xyri) ngày 25/4. Ảnh: Internet |
* Trong khi đó, tại Xyri, đã có nhiều thương vong trong bối cảnh quân đội và lực lượng cảnh sát nước này tiến vào thành phố điểm nóng miền nam Daraa. Khoảng 3.000 binh sĩ dưới sự yểm trợ của xe tăng đã triển khai tại trung tâm thành phố Daraa. Điện và hệ thống thông tin liên lạc tại đây đã bị cắt đứt. Trong khi đó, đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình cũng đã xảy ra tại khu vực Douma, cách thủ đô Đamát 15 km về phía bắc. Lực lượng an ninh cũng đã tiến vào thành phố al-Muadamiyah, gần thủ đô Đamát.
* Ngày 25/4, quan chức chính quyền Nam Xuđăng cho biết ít nhất 55 tay súng nổi dậy đã bị tiêu diệt trong vụ giao tranh tại bang Jongley giữa Quân Giải phóng Nhân dân Nam Xuđăng (SPLA) và lực lượng nổi dậy do cựu thủ lĩnh du kích Gbriel Tang cầm đầu.
Đây là vụ đụng độ mới nhất trong làn sóng giao tranh đẫm máu ngay trước thời điểm Nam Xuđăng sẽ trở thành một nhà nước độc lập, dự kiến vào tháng 7/2011. Hiện có ít nhất 7 nhóm nổi dậy tranh giành vai trò lãnh đạo miền Nam.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Bầu cử quốc gia Xuđăng ngày 24/4 thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế vĩnh viễn cho Darfur, miền tây nước này trước ngày 1/7. Cuộc trưng cầu sẽ diễn ra trong hai ngày và quyết định Darfur sẽ được lãnh đạo theo quy chế một vùng hay vẫn gồm các bang riêng lẻ. Trước năm 1994, Darfur đã từng được áp dụng quy chế vùng và hiện các lực lượng nổi dậy ở đây đang đòi áp dụng lại quy chế này vì sẽ được quyền tự trị nhiều hơn. Cuộc trưng cầu sắp tới nằm trong thỏa thuận hòa bình ký năm 2006 ở Abugia, Nigiêria.
* Tại Yêmen, ngày 25/4 lực lượng biểu tình phản đối chính phủ thông báo không chấp nhận quyền miễn truy tố đối với tổng thống Ali Abdullah Saleh, đồng thời khẳng định yêu cầu nhà lãnh đạo này phải nhanh chóng từ chức.
Trong khi đó, tại tỉnh miền nam Lahij, các cuộc đụng độ mới đã nổ ra giữa thành viên các bộ lạc được vũ trang và lực lượng Cận vệ Cộng hòa, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 6 binh sĩ. Trong khi đó, một quan chức an ninh địa phương của Yêmen cho biết đụng độ giữa lực lượng Cận vệ Cộng hòa và một nhóm vũ trang nghi là thuộc lực lượng khủng bố al-Qeada cũng đã xảy ra tại quận al-Zahida, tỉnh al-Bayday, cách thủ đô Xana 2 km về phía nam, khiến 2 thành viên al-Qaeda thiệt mạng và 6 binh sĩ bị thương.
Tại thành phố Taez, các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và hàng ngàn người biểu tình đã khiến ít nhất 10 người bị thương và 10 người khác bị bắt giữ. Các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã phong tỏa các tuyến đường dẫn tới văn phòng thị trưởng thành phố bằng tấm chắn bê tông, đồng thời triển khai xe bọc thép trên các tuyến phố và sử dụng hơi cay để giải tán những đoàn người biểu tình. Biểu tình cũng đã diễn ra tại nhiều nơi khác, bao gồm thủ đô Xana và các thành phố Ibb, Mukalla, al-Hudaydah và Aden.
Minh Dương