Phát biểu tại Tallinn (Estonia) hôm 22/10, theo giờ địa phương, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mark Rutte cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Trong cuộc điện đàm này, hai bên đã tập trung thảo luận về vấn đề Triều Tiên và ông Rutte đã đề nghị tổng thống Hàn Quốc cử các chuyên gia đến để thông báo tình hình liên quan cho Hội đồng Bắc Đại Tây Dương của NATO.
Tổng thư ký NATO cho biết thêm hoạt động này sẽ diễn ra vào đầu tuần tới, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Triều Tiên gửi binh lính đến Ukraine thì đó sẽ là “một sự leo thang đáng kể.”
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, Tổng thư ký NATO nói rằng ông không thể xác nhận điều này và đang chờ thông tin cập nhật từ phía Hàn Quốc vào tuần tới.
Xem video Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Mark Rutte phát biểu ở Tallinn (Estonia) hôm 22/10/2024 liên quan tới tin Triều Tiên gửi binh lính đến Ukraine. Nguồn: Reuters
Trước diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine, chính phủ Hàn Quốc đang xem xét hỗ trợ vũ khí cho Ukraine - một sự thay đổi tiềm tàng so với chính sách hiện tại là không trực tiếp cung cấp viện trợ sát thương.
Nguồn tin lưu ý: “Trong khi theo dõi các dấu hiệu hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Liên bang Nga, các biện pháp đáp trả sẽ được thực hiện theo từng bước. Thay vì vũ khí sát thương, vũ khí phòng thủ sẽ được ưu tiên và ngay cả khi viện trợ sát thương được cung cấp, cách gửi chúng gián tiếp sẽ được xem xét trước tiên".
Về phần mình, vào ngày 21/10, Triều Tiên đã bác bỏ "những đồn đoán vô căn cứ" từ Hàn Quốc và Ukraine rằng Bình Nhưỡng gửi quân tới tham chiến cùng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời khẳng định quan hệ với Moskva là "hợp pháp và hợp tác".
Phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban thứ nhất Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị và an ninh quốc tế, một đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Về cái gọi là hợp tác quân sự với Nga, phái đoàn của tôi không cảm thấy cần phải bình luận về những đồn đoán rập khuôn vô căn cứ nhằm bôi nhọ hình ảnh của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và làm suy yếu mối quan hệ hợp tác, hữu nghị và hợp pháp giữa hai quốc gia có chủ quyền".
Xem video người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 21/10/2024 nói về hợp tác giữa Liên bang Nga và Triều Tiên. Nguồn: Reuters
Cũng trong ngày 21/10, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Triều Tiên, hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, là láng giềng gần gũi, đối tác của chúng tôi. Chúng tôi phát triển mối quan hệ trong mọi lĩnh vực. Đây là quyền chủ quyền của chúng tôi. Không ai cần phải lo lắng về điều này, bởi sự hợp tác này không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác này trong tương lai”.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, ông Peskov đã né tránh câu hỏi về sự hiện diện của binh lính Triều Tiên ở Liên bang Nga và khả năng họ sẽ được triển khai để chiến đấu tại Ukraine.
Khi được hỏi về các báo cáo liên quan đến việc binh lính Triều Tiên đang đóng quân ở Liên bang Nga và có thể được điều động tới Ukraine, ông Peskov nói: “Đây là câu hỏi liên quan đến việc tiến hành ‘chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine).’ Bạn cần chuyển câu hỏi này cho Bộ Quốc phòng (Liên bang Nga)”.