Theo báo cáo về chi phí kinh tế của cuộc chiến do Hội nghị Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) thiết lập, cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas kể từ ngày 7/10/2023 đã tàn phá những gì còn sót lại của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Gaza.
Báo cáo, đã được trình lên đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước, cho biết hoạt động kinh tế ở Gaza - vốn đã suy yếu trước xung đột - đã bị đình trệ, ngoại trừ các dịch vụ y tế và thực phẩm nhân đạo tối thiểu được cung cấp trong điều kiện thiếu nước, nhiên liệu và điện nghiêm trọng, hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của người dân.
Tốc độ tăng trưởng xây dựng cũng giảm 96%, sản lượng nông nghiệp giảm 93%, sản xuất giảm 92% và sản lượng ngành dịch vụ giảm 76%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới 81,7% trong quý đầu tiên của năm 2024 và có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn hoặc kéo dài trong bối cảnh hoạt động quân sự vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Các hoạt động quân sự dữ dội ở Gaza đã gây ra thảm họa nhân đạo, môi trường và xã hội chưa từng có, đẩy Gaza từ tình trạng suy thoái đến sự hủy hoại hoàn toàn. Những hậu quả sâu rộng đó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và có thể mất nhiều thập kỷ để đưa Gaza trở lại nguyên trạng trước đây”, báo cáo nhấn mạnh.
Theo báo cáo, nếu các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, phải mất 350 năm nữa Gaza mới khôi phục được Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) về mức năm 2022.
Báo cáo cho biết cuộc xung đột hiện nay ở Gaza diễn ra sau giai đoạn năm 2007 - 2022, khi nền kinh tế của Gaza vốn đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do những hạn chế mà Israel áp đặt. Liên hợp quốc nhấn mạnh doanh thu bị mất do các hạn chế và hoạt động quân sự là rất “khủng khiếp”.
Theo ước tính kỹ lưỡng được mô tả trong báo cáo hiện tại, nếu không có những hạn chế đó, ước tính đến cuối năm 2023, GDP của Gaza sẽ cao hơn trung bình 77,6% so với mức thực tế.
Trong ba quý đầu năm 2023 – trước khi xung đột nổ ra – nền kinh tế Gaza đã suy thoái với tốc độ hàng năm khoảng 3%. Nền kinh tế suy thoái 22,6% trong năm 2023 nói chung, trong đó 90% mức giảm này xảy ra trong quý 4.
Báo cáo cho biết, đến cuối tháng 7/2024, 88% các tòa nhà trường học đã bị hư hại, 21 trong số 36 bệnh viện ngừng hoạt động và 45 trong số 105 cơ sở y tế cơ sở không hoạt động. Hơn 62% các tòa nhà dân cư bị hư hại hoặc phá hủy, trên 59% cơ sở hạ tầng của ngành nước, vệ sinh cũng bị thiệt hại nặng nề.
UNCTAD cho biết trong quý IV năm 2023, Gaza đã ghi nhận tình trạng suy thoái kinh tế lớn nhất trong lịch sử gần đây. GDP giảm 80,8% so với quý 2/2023 và giảm 81,4% so với cùng kỳ.
Video Cuộc sống của người dân trong cảnh cảnh đổ nát và đói nghèo ở Dải Gaza (Nguồn Reuters):