Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, đây là mức thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất so với các cuộc xung đột trước đó của Israel và có thể còn tác động tới triển vọng tăng trưởng dài hạn nếu xung đột kéo dài. Báo cáo nêu rõ mức độ thiệt hại của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào thời gian xung đột kéo dài cũng như triển vọng dài hạn đối với tình hình an ninh nội bộ Israel.
Báo cáo của Moody’s trích dẫn thông tin do Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) công bố cuối tháng 10 vừa qua, theo đó tổng chi phí liên quan đến xung đột ước tính lên đến 150 - 200 tỷ NIS, tương đương khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel. Trong khi cuộc Chiến tranh Liban lần thứ 2 năm 2006 và Chiến dịch Protection Edge năm 2014 chỉ tiêu tốn có 9,5 tỷ NIS, tương đương 1,3% GDP của Israel vào thời điểm đó.
Theo INSS, Chính phủ Israel phải chi hàng tỷ USD cho các chiến dịch quân sự, tiền lương phát sinh cho trên 350.000 quân nhân dự bị vừa tái ngũ, bồi thường cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng xung đột (dự kiến chiếm 0,8% GDP) và kinh phí tái thiết các cộng đồng bị tàn phá trong cuộc tấn công bất ngờ hôm 7/10. Bên cạnh đó, nguồn thu của nhà nước, chủ yếu từ thuế, dự kiến tiếp tục giảm do tiêu dùng trong nước và các nhu cầu khác đều đã giảm rõ rệt trong những tuần qua. Thêm vào đó, trên 350.000 quân nhân dự bị phải tái ngũ, đồng nghĩa với 18% lao động tạm thời rời bỏ thị trường. Trong khi đó, Chính phủ Israel vẫn đang phải chi các khoản lớn để thuê nơi ở và đảm bảo sinh hoạt cho 200.000 người dân phải di dời khỏi vùng chiến sự sát Dải Gaza và khu vực biên giới phía Bắc với Liban.
Tuần trước, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor cũng dự báo kinh tế Israel sẽ suy giảm 5% trong Quý IV/2023, trong khi tăng trưởng của năm nay chỉ là 1,5% và 0,5% trong năm 2024. Theo S&P, chỉ đến năm 2025, Israel mới lấy lại đà tăng trưởng, với triển vọng 5%. Thâm hụt ngân sách năm nay sẽ là 3% GDP và 7% vào năm 2024.