Có một cách khắc phục cho tình trạng sụt giảm thành viên của Hoàng tộc Nhật Bản là cho phép phụ nữ ở lại và được thừa kế ngai vàng. Tuy nhiên, cho tới nay Nhật Bản vẫn duy trì truyền thống nam nối dõi ngay cả khi điều đó có thể đồng nghĩa với sự kết thúc của chế độ quân chủ.
Ngày 26/10, sau 4 năm đính hôn, Công chúa Mako, 30 tuổi, cháu gái của Hoàng đế Naruhito, sẽ kết hôn với người bạn trai lâu năm của mình, Kei Komuro. Và vì luật của Nhật Bản sẽ tước bỏ địa vị hoàng gia của phụ nữ sau khi kết hôn với thường dân, Công chúa Mako sẽ rời khỏi hoàng tộc, nơi chỉ còn lại 12 phụ nữ và 5 nam giới.
Ngoài ra, sau tranh cãi về việc đính hôn, Mako đã từ chối khoản hồi môn 152,5 triệu yên (1,3 triệu USD) thường được trao cho những phụ nữ trong hoàng tộc đã kết hôn. Cô trở thành thành viên hoàng gia Nhật Bản đầu tiên làm như vậy kể từ Thế chiến thứ hai.
Bà Shihoko Goto, Phó Giám đốc Địa kinh tế tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington và là một chuyên gia về các vấn đề châu Á, cho biết: “Đó là một sự khác biệt hoàn toàn so với những gì được mong đợi từ một người phụ nữ trong hoàng gia. Công chúa đã sẵn sàng hy sinh tài chính, tự tước bỏ bản thân khỏi sự thoải mái, an toàn và đặc quyền trong cuộc sống để theo đuổi con đường của riêng mình.”
Xem video Công chúa Mako và vị hôn phu thường dân (Nguồn: SCMP)
Tranh cãi quyền kế vị
Kể từ sau Thế chiến thứ hai, Hoàng gia Nhật Bản có tất cả 67 thành viên. Nhưng tới ngày 26/10, sẽ chỉ còn lại 17 người, và chỉ có 3 người có quyền thừa kế ngai vàng trong số họ: Đó là người chú 85 tuổi của Nhật hoàng Naruhito là Hoàng tử Masahito; em trai của Nhật hoàng - Thái tử Fumihito, 55 tuổi; và cháu trai của Nhật hoàng, cũng là anh trai của Công chúa Mako là Hisahito, 15 tuổi.
Nhật Bản nằm trong số ít các chế độ quân chủ hiện đại hạn chế quyền kế vị cho nam giới - trong số đó có Saudi Arabia, Oman và Maroc.
Đám cưới của Công chúa Mako đã một lần nữa nhấn mạnh những lời kêu gọi cho phép phụ nữ tham gia dòng kế vị ngai vàng, như một cách để củng cố nền quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới, và cũng phù hợp hơn với tư tưởng hiện đại về bình đẳng giới.
Đó là một đề xuất cực kỳ phổ biến, theo một cuộc thăm dò của Kyodo News được thực hiện vào tháng 3 và tháng 4 năm nay. Trong số những người được hỏi, 85% cho biết họ ủng hộ một nữ hoàng lên nắm quyền và 79% cho biết họ ủng hộ việc để nữ hoàng truyền ngôi cho các con của mình.
Nhưng trớ trêu là hoàng gia Nhật Bản lại không thể làm bất cứ điều gì về vấn đề này. Vai trò của chế độ quân chủ, bao gồm cả dòng kế vị, được quy định bởi luật pháp Nhật Bản. Trong hai thập kỷ qua, một số quan chức chính trị hàng đầu đất nước đã xem xét việc thay đổi các quy tắc nhưng không có kết quả.
Nỗ lực thay đổi bất thành
Năm 2006, dự luật đề xuất cho phép nữ thừa kế ngai vàng đã bị hoãn lại sau khi Hoàng tử Hisahito, bé trai đầu tiên ra đời trong hoàng tộc sau gần 4 thập kỷ.
Năm 2012, Thủ tướng Yoshihiko Noda khi đó đã cân nhắc việc cho phép các công chúa lập các chi nhánh hoàng gia của riêng họ và duy trì địa vị khi kết hôn, nhưng nỗ lực này đã đình trệ dưới thời người kế nhiệm ông là Shinzo Abe.
Gần đây hơn, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đã đưa vấn đề phụ nữ nối dõi ngai vàng ra một hội đồng chuyên gia để xem xét, tuy nhiên, sau đó ông đã không tái đắc cử. Người kế nhiệm ông, Thủ tướng Fumio Kishida lại phản đối việc truyền ngôi cho một nữ hoàng.
Trong khi số lượng thành viên hoàng gia giảm, người đóng thuế Nhật Bản đã tiêu tốn 25 tỷ yên (219 triệu USD) trong năm nay cho thực phẩm, giáo dục, chi phí cá nhân và tiền lương của 1.080 nhân viên bao gồm lái xe, làm vườn và nhân viên lưu trữ hồ sơ hoàng gia. Trong khi đó, Hoàng gia Anh chi phí khoảng 50 triệu bảng Anh (69 triệu USD) trong giai đoạn 2019-20, cộng thêm 30 triệu bảng Anh cho việc cải tạo Cung điện Buckingham.
Ngày hôm nay, 26/10, Công chúa Mako và Komuro sẽ nộp đơn xin kết hôn lên chính quyền địa phương, sau đó là một cuộc họp báo. Theo chuyên gia Goto, các đám cưới hoàng gia Nhật Bản hiếm khi thu hút được sự chú ý ở nước ngoài và buổi lễ quan trọng của Công chúa Mako là một cơ hội bị bỏ lỡ để thể hiện quyền lực mềm. “Đám cưới này sẽ không có tác động tiêu dùng giống như cuộc hôn nhân của Kate Middleton và Meghan Markle ở Anh”, bà Goto nói.
Thúc đẩy hôn nhân và sinh con
Tuy nhiên đám cưới với thường dân của Công chúa Mako cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế theo những cách khác. Các cuộc hôn nhân hoàng gia ở Nhật Bản thường có liên quan đến việc gia tăng hôn nhân và sinh con trong công chúng, một mục tiêu được khuyến khích từ lâu ở một quốc gia có dân số già.
Theo một phân tích của Bloomberg Economics, sau đám cưới năm 1990 của Thái tử Fumihito, số lượng các trường hợp kết hôn đã tăng 3,7% so với 5 năm trước đó, so với mức giảm 0,4% của năm trước đó. Tỉ lệ này đạt đỉnh 9,8% vào năm 1993 khi vị hoàng đế đương nhiệm tổ chức đám cưới.
Yuki Masujima, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg Economics, cho biết: “Chúng tôi không kỳ vọng cuộc hôn nhân của Công chúa Mako sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế vĩ mô. Nhưng nó có thể có tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng và tỷ lệ kết hôn, sau khi tỉ lệ này giảm mạnh do cuộc khủng hoảng COVID-19”.
Sau đám cưới, cặp tân hôn dự định sống ở Mỹ mà không cần sự hỗ trợ tài chính từ hoàng gia hay chính phủ Nhật Bản. Vị hôn phu của cô được cho là có vị trí đảm bảo tại một công ty luật ở Manhattan, trong khi Công chúa Mako - người có bằng thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng nghệ thuật - chưa công bố kế hoạch của mình.
Đầu tháng này, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản cho biết, Công chúa Mako đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương do hậu quả của tình trạng lạm dụng trực tuyến nhằm vào cặp đôi và gia đình họ. "Công chúa đã gánh chịu một nỗi sợ dai dẳng rằng cuộc sống của cô ấy sẽ bị hủy hoại, điều khiến cô trở nên bi quan và khó cảm thấy hạnh phúc", tuyên bố cho biết.