Theo trang Guardian (Anh), rơi vào thảm kịch COVID-19 tương tự Ấn Độ, Nepal cũng đang thiếu ôxy trầm trọng khi nước này đang phải vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 vô cùng nguy hiểm. Sự gia tăng các trường hợp COVID-19 đã tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của nước này, giống như ở nước láng giềng Ấn Độ.
Hôm 10/5, Hiệp hội leo núi Nepal (NMA) đã phải kêu gọi các nhà leo núi trên đỉnh Everest giúp quốc gia này đối phó với dịch bệnh bằng cách mang những bình oxy rỗng đã sử dụng về để nạp cho bệnh nhân COVID-19 tái sử dụng, thay vì bỏ lại trên các sườn núi.
Nepal đã cấp giấy phép leo núi cho hơn 700 nhà thám hiểm muốn chinh phục 16 đỉnh núi trên dãy Himalaya, trong đó có đỉnh Everest, vào mùa leo núi tháng 4 và tháng 5 vừa qua nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp leo núi và du lịch hoạt động trở lại.
Ông Kul Bahadur Gurung, một quan chức cấp cao của NMA, cho biết những người leo núi và hướng dẫn viên của họ ước tính đã mang theo ít nhất 3.500 bình oxy trong mùa leo núi này. Chúng thường bị chôn vùi trong các trận tuyết lở hoặc bị bỏ lại trên các sườn núi khi kết thúc chuyến thám hiểm.
“Chúng tôi kêu gọi những người leo núi và hướng dẫn viên hãy mang những bình ôxy rỗng của họ trở về bất cứ khi nào có thể. Những bình ôxy này có thể được nạp đầy lại và tái sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 đang gặp nguy kịch”, ông Gurung nói.
Trong 24 giờ qua, Nepal đã ghi nhận thêm trên 9.000 ca mắc COVID-19, gấp 30 lần con số được ghi nhận vào ngày 9/4 và gần 140 trường hợp tử vong. Tính đến ngày 11/5, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 403.794 ca mắc và hơn 3.800 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Nhiều bệnh viện tư nhân và cộng đồng ở thủ đô Kathmandu cho biết họ không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do thiếu cả khí và bình ôxy.
“Chúng tôi cần khoảng 25.000 bình ôxy ngay lập tức để cứu những bệnh nhân đang nguy kịch. Đây là nhu cầu cấp thiết của chúng tôi. Chúng tôi cũng cần thêm nhà máy oxy, máy nén ôxy và giường chăm sóc đặc biệt khẩn cấp”, ông Samir Kumar Adhikari, một quan chức Bộ Y tế cho biết.
Nepal chỉ có 1.600 giường chăm sóc đặc biệt và gần 600 máy thở cho dân số 30 triệu người của nước này. Quốc gia Nam Á cũng chỉ có 0,7 bác sĩ/100.000 dân, theo ActionAid Nepal.
Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal Hridayesh Tripathi cho biếtTrung Quốc đã cam kết cung cấp bình ôxy, máy thở và các vật tư y tế khác cho Nepal.
Một quan chức khác cũng tiết lộ Nepal đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ bằng cách gửi 20.000 xi lanh, một số trong số đó sẽ được vận chuyển bằng máy bay, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nước này.
Ông Prakash Thapa, một bác sĩ tại bệnh viện Bheri ở Nepalgunj, phía tây nam Nepal, giáp Ấn Độ, cho biết các bệnh nhân phải nằm trên sàn nhà và ngoài hành lang của bệnh viện. “Chúng tôi đang nỗ lực đối phó với tình trạng này nhưng sẽ rất khó để tiếp nhận thêm bất kỳ bệnh nhân nào nữa”, ông nói.