Cụ thể, Nestlé sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mới ở Smolyhiv thuộc vùng Volyn, miền Tây Ukraine, giúp tăng công suất sản xuất mì của Nestlé tại Ukraine, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường Ukraine và những thị trường khác ở châu Âu.
Ông Alessandro Zanelli, Giám đốc điều hành Nestlé phụ trách thị trường Đông Nam Âu, cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một trung tâm sản xuất thực phẩm tại Ukraine, đảm bảo việc làm ngày càng tăng và phục vụ nhu cầu của người Ukraine cũng như tất cả công dân châu Âu bằng các sản phẩm chất lượng cao”.
Một nhà quản lý cấp cao của Nestlé đã mô tả đây là một động thái quan trọng trong một tình huống đầy thách thức đối với Ukraine.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới công bố trong tháng 10/2022, nền kinh tế của Ukraine dự kiến giảm 35% trong năm 2022. Tác động tàn phá của cuộc xung đột đối với nền kinh tế của nước này có thể sẽ kéo dài do năng lực công nghiệp bị phá hủy và đất nông nghiệp bị thiệt hại.
Theo Tổ chức đầu tư Ukraine, đơn vị chịu trách nhiệm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Nestlé thực sự là một trong những công ty đa quốc gia hiếm hoi đầu tư vào Ukraine trong thời điểm nước này đang xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, Nestlé không hề đơn độc. Tổ chức này cho biết trong hai năm tới, không dưới 25 công ty nước ngoài sẽ đầu tư tổng cộng 5 tỷ USD vào Ukraine chỉ riêng vào lĩnh vực sản xuất.
Nestlé đã có mặt tại Ukraine từ năm 1994 để phân phối một số thương hiệu quốc tế lớn của mình tại đây, như Nescafé, Nesquik, KitKat hay các sản phẩm dành cho thú cưng Friskies. Nestlé hiện có khoảng 5.800 nhân viên tại Ukraine. Việc đưa vào vận hành cơ sở sản xuất mới sẽ giúp tạo ra thêm 1.500 việc làm tại Ukraine.
Việc Nestlé vẫn tiếp tục đầu tư vào một thị trường đang có xung đột phản ánh truyền thống của tập đoàn này. Toàn bộ lịch sử các cơ sở của Nestlé ở các quốc gia khác nhau tuân theo cùng một logic: Không bao giờ bỏ đi, hoặc chỉ rời đi sau cùng.