"Bất ổn chính trị 6 tháng qua đã ở mức cao và nay đang tăng. Tôi cho rằng, không chóng thì chầy, Mỹ hoặc Israel sẽ tấn công Iran", Marc Faber, tác giả cuốn Gloom Boom and Doom Report, phát biểu bên lề một hội nghị đầu tư mới đây.
Faber cho rằng, nếu chiến tranh xảy ra ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào, thì "ông Bernanke" (Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke) sẽ in tiền. Không còn cách nào khác... Phải mua vàng hoặc cổ phiếu". Như vậy, dù chiến tranh có xảy ra ngoài Iran thì vàng, cổ phiếu đều có giá.
Việc lý giải phần nhận định của Faber không khó. Nếu chiến tranh Iran bùng nổ, tuyến vận tải dầu qua Hormuz sẽ bị ảnh hưởng, giá dầu sẽ vọt lên cao. Cuối tuần trước, giá dầu tăng 0,8% lên 107,4 USD/thùng trên sàn New York. Tính cả tuần, giá dầu tăng 0,7% và là tuần thứ 4 lên dốc.
Trong tuần, có lúc giá dầu vượt qua ngưỡng 109 USD/thùng do căng thẳng tăng cao. Nếu căng thẳng này bị kéo dài, ngưỡng đỉnh của giá dầu chắc chắn sẽ còn cao hơn thế nhiều và khi đó, lạm phát sẽ phi mã ở nhiều khu vực trên thế giới và dẫn tới tình trạng đình trệ thời gian dài.
Không chỉ giá dầu, lạm phát, khi chiến tranh xảy ra, thương mại có nguy cơ sụt giảm mạnh ở nhiều lĩnh vực. Trong một bối cảnh bấp bênh như vậy, nhà đầu tư sẽ đổ xô nắm vàng và những loại cổ phiếu hàng hóa có liên quan để tránh "bão" và giá cả những mặt hàng này sẽ vụt tăng.
Việc Mỹ và các đồng minh châu Âu chấp thuận đề nghị nối lại đàm phán của Iran đã khiến quả bóng chiến tranh đang căng tròn đột ngột xì hơi. Thế giới tưởng như đã có thể thở phào nhẹ nhõm về khả năng sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh ở khu vực chất chứa nhiều dầu mỏ này.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh với nước Cộng hòa Hồi giáo chưa thực sự bị đẩy lùi như mong đợi, bởi đồng minh của Mỹ là Israel tiếp tục ra những tuyên bố đầy căng thẳng về cuộc tấn công giả định này trong tương lai không quá xa.
Một ngày sau khi trở về Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, "chúng tôi đang bấm đồng hồ cho cuộc chiến Iran. Dẫu biết rằng, vấn đề Iran không phải là chỉ tính trong vài ngày, vài tuần và năm nhưng Israel cần phải loại bỏ mối đe dọa khi Iran có được vũ khí hạt nhân".
Và mặc dù, theo lời ông Netanyahu rằng, ông hy vọng một cuộc chiến tranh sẽ không xảy ra giữa các bên và việc gây sức ép lên Iran sẽ thành công, song ông khẳng định "việc định đoạt thời gian cho cuộc chiến tại Iran chỉ tính bằng giờ và Iran sẽ phải gánh chịu những hậu quả do họ gây ra".
Cách nói của Thủ tướng Israel cho thấy, về cơ bản ông đã chấp thuận đề xuất của Mỹ về tiếp tục dùng giải pháp ngoại giao để giải quyết những khúc mắc xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, nhưng đồng thời ông cũng sẽ không để Iran đạt được khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dẫu sao, tuyên bố này vẫn còn có thể coi là nhẹ so với những gì mà ông Netanyahu đưa ra tại hội nghị của Ủy ban các vấn đề công chúng Mỹ - Israel. Phát biểu trong buổi lễ này, ông cảnh báo Israel không chấp nhận tồn tại trong sự lo ngại về một đất nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, mặt ngoài, Tổng thống Mỹ tiếp tục vỗ về thế giới rằng sẽ thực hiện thêm các biện pháp cấm vận để Iran buộc phải từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, thì giới chức quân sự Washington cũng lại liên tiếp đưa ra những phát biểu gây sốc về khả năng gây chiến.
Tuần trước, tờ Defense News dẫn lời Trung tướng Không quân Mỹ Herbert Carlisle cho hay, Mỹ có thể dùng bom phá boongke hạng nặng 13,6 tấn (bom MOP) chống Iran. Loại bom này, theo ông Carliste, được thiết kế chuyên dùng để tấn công nước có cơ sở hạt nhân ngầm dưới đất.
Trong khi đó, trả lời một tờ báo ra ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, nếu Mỹ tấn công vào Iran thì mức thiệt hại sẽ nặng nề hơn nhiều cuộc chiến của Israel tiến hành. Ông cũng xác nhận việc Lầu Năm Góc đang vạch ra một kế hoạch tấn công bất ngờ Iran.
Đây là lần thứ hai trong vài ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đe dọa dùng vũ lực với Iran. Trước đó, hôm 6/3, phát biểu tại một cuộc họp, ông Panetta cũng đã dọa, nếu các biện pháp ngoại giao không ngăn được Iran phát triển hạt nhân, Washington sẽ buộc phải dùng biện pháp quân sự.
"Chúng tôi đã thể hiện rõ lập trường quan điểm với Tehran và các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực, rằng chúng tôi luôn giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao", Bộ trưởng Panetta tuyên bố. "Tuy nhiên chúng tôi cũng cân nhắc mọi giải pháp, không loại trừ biện pháp quân sự".
Và để đáp lại những lời dọa dẫm từ bên ngoài, cuối tuần qua Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này chẳng sợ hành động quân sự nào cả. "Iran chẳng sợ bom, tàu chiến hay máy bay nào hết. Những vũ khí như vậy chẳng là cái thá gì cả", ông nói.
Tuy nhiên, như Faber đã nói ở trên, dù chiến tranh không xảy ra ở Iran mà ở bất cứ nơi nào, thì thế giới cũng sẽ đối mặt với cơn nguy khốn. Và sự thực là, ngoài Iran, thế giới còn đang có nhiều điểm nóng khác, như bạo lực leo thang ở Syria và nguy cơ cuộc chiến tương tự Libya vẫn hiện hữu.
Theo VEF.vn