Nếu giành chiến thắng, ông Biden sẽ duy trì chính sách ngoại giao nào của Tổng thống Trump?

Liệu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có duy trì một số đường lối chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump trong trường hợp ông giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tổ chức tháng 11 tới?

Chú thích ảnh
Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: Bloomberg

Tờ Politico (Mỹ) cho biết nhiều lãnh đạo thế giới đang theo dõi sát sao từng diễn biến của cuộc bầu cử Mỹ. Bên cạnh đó, một số nhà ngoại giao cho biết họ kỳ vọng trong trường hợp giành chiến thắng, ông Biden sẽ đảo ngược một số chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump.

Cựu Phó Tổng thống Biden thường đề cập đến việc khôi phục liên minh, ủng hộ nhân quyền và đương đầu với những kẻ độc tài. Ông cam kết “vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và an toàn hơn”.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Biden có xu hướng không đề cập nhiều đến chính sách của Tổng thống Trump mà ông sẽ duy trì. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden chỉ tiết lộ “tập trung về tái xây dựng vị trí của nước Mỹ trên thế giới và xóa bỏ những tổn thất mà nước Mỹ phải hứng chịu dưới thời Tổng thống Trump”.

Sau nhiều trao đổi với những cá nhân làm việc trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden, tờ Politico đã đưa ra một số chính sách đối ngoại có thể không thay đổi nếu Tổng thống Trump thất bại trước ông Biden trong bầu cử vào tháng 11 tới.

Giọng điệu ứng rắn hơn

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump phát biểu vận động tranh cử tại Ohio. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump trong thời gian qua đã “đổi giọng” với một số quốc gia, bao gồm cả đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Ông Biden cũng nhiều khả năng gia tăng áp lực với các đồng minh, bao gồm Đức về chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Trump từng rất căng thẳng với vấn đề này và thậm chí cảnh cáo rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước sức ép từ Mỹ, các thành viên NATO trong năm 2014 đã thống nhất mục tiêu đến năm 2024 chi 2% GDP cho quốc phòng. Ông Biden vẫn có thể duy trì vấn đề này nhưng với giọng điệu mềm mỏng hơn.

Quan điểm căng thẳng với nhiều nước, song Trung Quốc mới là nước mà ông Trump thể hiện rõ thái độ nhất, với hàng loạt chỉ trích về thương mại, COVID-19... Về phần mình, cựu Phó Tổng thống Biden từng nói “một Trung Quốc phát triển là tích cực, không chỉ cho chính Trung Quốc mà còn cả Mỹ và thế giới”. Nhưng gần đây, quan điểm này của ông Biden đang thay đổi, khi ông kêu gọi các quốc gia khác phải khiến Trung Quốc chịu trách nhiệm cho “gian lận kinh tế”.

Ngoài ra, trước việc Tổng thống Trump không mặn mà với các tổ chức và thỏa thuận quốc tế như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rời bỏ Hiệp định Paris về khí hậu, cảnh báo “chia tay” với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)... thì ông Biden có thể tận dụng đây làm cơ hội đề nghị cải tổ những thể chế này trong trường hợp trở thành lãnh đạo mới của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt

Chú thích ảnh
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau nhiều tháng căng thẳng chiến tranh thương mại. Ảnh: Reuters

Theo Politico, Tổng thống Trump vốn sử dụng nhiều “gậy hơn cà rốt” trong tương tác với các quốc gia khác. Lệnh trừng phạt và thuế vốn là “những chiếc gậy yêu thích" của Tổng thống Trump.

Ông Biden nhiều khả năng sẽ giữ những cách tiếp cận này. Chính cựu Phó Tổng thống này đã ngỏ ý nếu giành chiến thắng bầu cử, trong những tháng đầu nhiệm kỳ ông có thể giữ một số mức thuế bổ sung Tổng thống Trump áp dụng đối với Trung Quốc.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Biden từng miêu tả việc Tổng thống Trump sử dụng thuế bổ sung là “thiển cận” nhưng ông cũng đánh giá: “Tôi sẽ áp dụng thuế khi cần thiết nhưng khác biệt giữa tôi và ông Trump là tôi cần có chiến thuật, một kế hoạch, để những mức thuế có hiệu quả, không chỉ là cứng rắn giả tạo”.

Một số chính sách khác của Tổng thống Trump với Trung Quốc, bao gồm hạn chế công nghệ nhiều khả năng vẫn được ông Biden duy trì.

Chính quyền Tổng thống Trump còn áp đặt trừng phạt kinh tế và thị thực với nhiều cá nhân. Nhưng các chuyên gia cho rằng ông Biden có thể loại bỏ một số lệnh trừng phạt này, ví dụ như lệnh trừng phạt nhắm đến một số nhân vật liên quan đến Tòa án Hình sự Quốc tế. Nhưng những lệnh trừng phạt Magnitsky với các đối tượng nước ngoài tham nhũng và vi phạm nhân quyền nhiều khả năng vẫn được giữ hiệu lực nếu ông Biden trở thành tổng thống.

Các thỏa thuận

Chính quyền Tổng thống Trump đã đàm phán Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản nâng cấp của Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Biden khẳng định ủng hộ USMCA. Ngoài ra, ông cũng muốn duy trì thỏa thuận thương mại giai đoạn một của Tổng thống Trump với Trung Quốc.

Tổng thống Trump có quan điểm rằng các đối thủ và thậm chí một số đồng minh đã gây ảnh hưởng đến Mỹ qua các thỏa thuận thương mại. Ông Biden trong khi đó muốn theo đuổi những thỏa thuận thương mại không phóng đại bất bình đẳng kinh tế. Các thành viên trong chiến dịch vận động của ông Biden cho biết muốn tập trung vào phục hồi kinh tế nội địa.

Chính quyền Tổng thống Trump đang đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh và Kenya, nếu ông Biden giành chiến thắng và những thỏa thuận này chưa hoàn thành thì chính ông sẽ quyết định liệu sẽ duy trì hay tạm dừng.

Tiếp tục xây dựng

Chú thích ảnh
Quá trình thi công tường biên giới. Ảnh: Reuters

Ông Biden cho biết muốn tiếp tục xây dựng nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump khích lệ các quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Israel. Vào đầu tháng này, đại diện Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự lễ ký bình thường hóa quan hệ tại Nhà Trắng. Ông Biden đã ca ngợi diễn biến này và nói: “Chính quyền của Biden-Harris sẽ tiếp tục xây dựng những bước đi này”.

Nhập cư là một vấn đề đáng chú ý, Tổng thống Trump đã áp đặt hạn chế đối với những cá nhân muốn nhập cư đến Mỹ. Bao gồm hạn chế số lượng người nhập cư, ngưng cấp một số visa lao động cho người nước ngoài cho đến cuối năm 2020, xây tường biên giới… Ông Biden đã lên tiếng đảo ngược nhiều chính sách nhập cư của Tổng thống Trump.

Ông Biden từng thừa nhận sẽ không phá hủy tường biên giới của Tổng thống Trump nhưng đồng thời không kéo dài thêm bức tường này. Ông cam kết sẽ theo đuổi biện pháp công nghệ tiên tiến để bảo vệ biên giới.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden cũng nói rằng ông sẽ không thay đổi quyết định của Tổng thống Trump chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem. Nhưng ông cũng cho biết muốn mở lại lãnh sự quán Mỹ với Palestine vốn bị Tổng thống Trump đóng cửa.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mỹ tiếp tục kêu gọi các nước vùng Vịnh giải quyết khủng hoảng ngoại giao
Mỹ tiếp tục kêu gọi các nước vùng Vịnh giải quyết khủng hoảng ngoại giao

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 14/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại kêu gọi các nước vùng Vịnh giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao đã kéo dài 03 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN