Theo Reuters, giới chức y tế Mỹ cho biết ngày 4/1 rằng trên 2/3 trong 15 triệu liều vaccine COVID-19 được chuyển tới Mỹ chưa được sử dụng.
Tại bang New York và Florida, các thống đốc đã quyết định mạnh tay với các bệnh viện.
Thống đốc Andrw Cuomo cho biết bệnh viện phải tiêm vaccine trong vòng một tuần sau khi nhận được, nếu không sẽ bị phạt và sẽ bị giảm nguồn hỗ trợ trong tương lai. Ông nói: “Tôi không muốn vaccine ở nguyên trong tủ lạnh hay tủ đông. Tôi muốn nó được tiêm vào tay người nào đó. Nếu các bệnh viện không thực hiện chức năng này, bệnh viện đó bị đặt dấu hỏi về hiệu quả hoạt động”.
Thống đốc Cuomo cho biết số bệnh nhân nhập viện do mắc COVID-19 đã lên tới 8.251 ca ngày 3/1, tăng so với mức 7.963 ca được ghi nhận một ngày trước đó. Ông từng cảnh báo số ca nhập viện sẽ tăng cao sau kỳ nghỉ lễ do mọi người đi du lịch và tụ họp trong dịp nghỉ lễ cuối năm, qua đó tạo cơ hội để virus lây lan.
Các bệnh viện ở New York nói chung đã tiêm chưa đầy một nửa số liều vaccine được cấp tới nay. Hệ thống NYC Health + Hospitals (hệ thống y tế chính của thành phố) mới tiêm được 31% tổng số liều.
Ở Florida, Thống đốc Ron DeSantis thông báo rằng bang sẽ cấp thêm vaccine cho bệnh viện nào tiêm nhanh nhất. Vaccine sẽ được tái phân bổ từ viện tiêm chậm sang viện tiêm nhanh. Ông khẳng định không muốn vaccine nằm không tại một số hệ thống bệnh viện mặc dù không nói rõ các bệnh viện này có bị phạt không.
Florida cũng sẽ điều thêm 1.000 y tá để tiêm vaccine COVID-19 và sẽ mở cửa khu vực tiêm vaccine cả 7 ngày trong tuần.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết New York và Florida đang “quá quan liêu” khi trừng phạt các bệnh viện vì chậm triển khai tiêm vaccine COVID-19 khi mà họ đang quá tải bệnh nhân.
Ông nói: “Thay vì phạt các bệnh viện, tại sao không cho họ nhiều nguồn lực hơn để thực hiện tiêm chủng, thêm tiền, thêm nhân viên?”
New York đã phân phối 175.000 liều trong tổng số 896.000 liều đã nhận từ giữa tháng 12/2020. Florida đã phân phối 265.000 liều trong 1,14 triệu liều đã nhận.
Ngày 4/1 là ngày đầu tiên một số người Mỹ đến hạn tiêm liều thứ hai, ba tuần sau khi tiêm liều đầu tiên.
Tính đến ngày 31/12, chỉ có khoảng 2,6 triệu người Mỹ được tiêm vaccine COVID-19. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người trong tháng cuối cùng của năm 2020.
Hồi đầu tháng, nhà chức trách khẳng định Mỹ sẽ có sẵn 40 triệu liều vaccine trong tháng 12, đủ tiêm cho 20 triệu người với liệu trình 2 mũi. Tuy nhiên, giới chức liên bang Mỹ cho biết, tính đến thời điểm này, chỉ có khoảng 14 triệu liều vaccine của Pfizer và Moderna đã được phân phối đến các bang, thấp hơn mức mục tiêu vận chuyển 20 triệu liều. Chưa kể, việc thiếu các nguồn trợ cấp liên bang đã khiến các địa phương không đủ ngân sách để thuê nhân lực phục vụ chiến dịch tiêm chủng.
Từ ngày 14/12/2020, Mỹ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 21 triệu nhân viên y tế và 3 triệu người sống ở các viện dưỡng lão. Đây là hai nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng của chính phủ Mỹ, tiếp đến là 51 triệu người làm các ngành nghề thiết yếu như nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, giáo viên và người trên 75 tuổi.
Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố sẽ kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm thúc đẩy các công ty tư nhân gấp rút sản xuất vaccine cho chính phủ.
Tình hình tiêm vaccine chậm chạp ở Mỹ diễn ra trong bối cảnh các ca mắc biến thể SARs-CoV-2 nguồn gốc ở Anh đã được ghi nhận từ tuần trước ở Florida, California và Colorado.
Các nhà khoa học cho rằng vaccine mới phát triển có hiệu quả với biến thể mới. Tuy nhiên, họ lo ngại biến thể mới lây nhiễm nhanh hơn có thể làm gia tăng số ca mắc và nhập viện vốn đang khiến hệ thống y tế Mỹ sắp tới giới hạn.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng lên trên 362.000 người trong số trên 21 triệu ca mắc tính tới 5/1 (giờ Việt Nam).