Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Ardern cho hay thành phố lớn nhất nước Auckland sẽ vẫn duy trì mức độ cảnh báo 2,5 cho đến thời gian trên, trong khi đó, các khu vực còn lại tiếp tục áp dụng mức độ cảnh báo 2. Đến ngày 14/9, chính phủ sẽ xem xét liệu có duy trì các biện pháp trên hay không.
Trong khi đó, ngày 3/9, Ủy ban phòng chống COVID-19 của Israel quyết định sẽ áp đặt phong tỏa 30 thành phố và thị trấn được coi là “vùng đỏ” do tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng rất cao. Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, việc phong tỏa sẽ có hiệu lực kể từ ngày 7/9 tới, bao gồm việc đóng cửa các trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, cũng như hạn chế đi lại.
Trước đó, Bộ Y tế Israel đã công bố các thành phố và thị trấn thuộc diện trên bị coi là "vùng đỏ" do tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở mức cao theo chương trình "đèn giao thông" mà Israel đề xuất. Theo chương trình này, mỗi chính quyền địa phương sẽ được phân loại là đỏ, vàng hay xanh phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm dịch bệnh, từ đó sẽ có biện pháp hạn chế phù hợp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Israel quyết định hành động ngay lập tức để ngăn chặn tỷ lệ tử vong đang tăng nhanh. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Israel cho biết sẽ triển khai khoảng 100 binh sĩ tham gia hỗ trợ cảnh sát nhằm đảm bảo các biện pháp phòng dịch tại các khu vực đỏ được thực thi.
Trước đó, Giáo sư Ronni Gamzu, người đứng đầu Ủy ban phòng chống COVID-19 của Israel cũng cảnh báo về khả năng áp đặt phong tỏa lần nữa. Ông Gamzu chỉ rõ hiện trạng một số cộng đồng cư dân Do Thái chính thống cực đoan tại khu vực Beitar Illit ở Bờ Tây đã không tuân thủ những hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế Israel. Theo Giáo sư Gamzu, việc từ chối hợp tác trong phòng chống COVID-19 tại các thành phố và thị trấn “đỏ” có thể dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Israel đang chứng kiến tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp. Riêng trong ngày 2/9, Israel đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 3.000 ca. Tính đến ngày 3/9, Bộ y tế Israel ghi nhận thêm 2.991 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel lên 124.455 ca. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Israel vào cuối tháng 2. Số ca tử vong đã tăng lên 985 ca sau khi có thêm 16 ca tử vong vào ngày 3/9.
Còn tại châu Âu, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic thông báo duy trì một số biện pháp, vốn được thực thi hồi tháng 3 vừa qua, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và thị trường lao động vốn bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ tiếp tục hỗ trợ các lao động làm việc bán thời gian với mức hỗ trợ tối đa là 2.000 kuna/người (khoảng 315 USD) cho đến cuối năm nay trong trường hợp doanh thu của doanh nghiệp nơi lao động đó làm việc giảm hơn 50%. Đối với những lao động trong các ngành dễ bị tổn thương như du lịch, giải trí, vận tải hành khách, mức hỗ trợ là 4.000 kuna/người (tương đương 630 USD). Những lao động làm việc cho các doanh nghiệp bị buộc phải phải đóng cửa theo chỉ thị của Cơ quan bảo vệ dân sự quốc gia, cũng sẽ nhận mức hỗ trợ 4.000 kuna/người.
Theo Thủ tướng Plenkovic, tỷ lệ thất nghiệp tại Croatia không tăng nhiều nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ được triển khai kịp thời ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ triển khai thêm các khoản vay ưu đãi hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19.