Cũng theo thông báo của Bộ Y tế, số ca phục hồi và được xuất viện hiện là 1.481 và số ca tử vong cũng không thay đổi (22 ca). Ngoài ra, không còn ca mắc COVID-19 nào phải điều trị tại bệnh viện.
Bộ Y tế New Zealand nhấn mạnh nước này vẫn tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở mức cao và công tác xét nghiệm tại khu vực biên giới, cũng như trong cộng đồng sẽ vẫn là phần quan trọng trong chiến lược của New Zealand nhằm chấm dứt dịch COVID-19.
* Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore (MOH) ghi nhận 408 ca mắc COVID-19 trong ngày 1/6, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 35.292.
Trong số các ca mới dương tính với virus SARS-CoV-2, không có ca bệnh nào lây nhiễm trong cộng đồng và tất cả đều liên quan tới các ổ dịch đã xác định.
Xét tổng thể, số ca mới mắc COVID-19 trong cộng đồng đã giảm, từ mức trung bình 7 ca/ngày/tuần trước khi xuống mức trung bình 3 ca/ngày trong tuần qua. Số ca không thuộc trường hợp này vẫn ổn định ở mức 2 ca/ngày trong 2 tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, tính đến nay, đã có thêm 767 bệnh nhân phục hồi, được xuất viện hoặc rời các cơ sở cách ly, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên thành 22.466.
* Tại Myanmar, Bộ Ngoại giao nước này ngày 1/6 tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế nhập cảnh tạm thời đối với du khách đến từ tất cả các quốc gia tới ngày 15/6. Đây là một phần trong khuôn khổ các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Quyết định trên sẽ có hiệu lực áp dụng với các quy định liên quan hàng loạt biện pháp đề phòng dịch bệnh đối với các du khách chỉ có thời hạn đến ngày 31/5 vừa qua. Theo đó, tất cả du khách nhập cảnh Myanmar, bao gồm công dân nước này, tất cả các nhà ngoại giao tới Myanmar và các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) làm việc tại nước này tiếp tục phải tuân thủ các hướng dẫn hiện hành do Bộ Y tế và Thể thao Myanmar đưa ra đối với các trường hợp nhập cảnh. Ngoài ra, nước này cũng sẽ tiếp tục gia hạn việc ngừng cấp tất cả các loại thị thực tới ngày 15/6.
Myanmar ghi nhận 228 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 ca tử vong, kể từ khi phát hiện ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 23/3.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia sẽ nhận được tổng cộng 33 máy trợ thở từ Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Sự hỗ trợ này là một phần trong nỗ lực của ba tổ chức LHQ nhằm hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19.
Ngày 1/6, Trưởng đại diện của UNDP tại Indonesia, ông Oliverhe Bahuet đã trao 2 máy trợ thở đầu tiên cho Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB). Toàn bộ 33 máy trợ thở với tổng trị giá 762.460 USD sẽ được cung cấp cho Indonesia trong vòng một tháng tới. Trong đó, WHO sẽ cung cấp 27 máy thở, còn UNDP và IOM mỗi bên đóng góp 3 máy
Ông Bahuet nhấn mạnh tác động của đại dịch COVID-19 ở Indonesia đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác của tất cả các bên. UNDP mua thiết bị trở thợ trong khuôn khổ sáng kiến chung với WHO và IOM nhằm giúp giải quyết một trong những nhu cầu cấp thiết nhất và sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng cho ca mắc COVID-19.
Ngoài ra, UNDP cùng với Hệ thống Phát triển LHQ sẽ tăng cường hỗ trợ để giúp khắc phục tác động kinh tế xã hội đối với Indonesia và chuẩn bị cho sự phục hồi xanh bền vững trong quan hệ đối tác chặt chẽ với chính phủ nước này.