Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: EPA/TTXVN |
Rạng sáng 9/6 theo giờ Việt Nam, lãnh đạo các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhóm họp phiên thảo luận bàn tròn tại Charlevoix, Quebec, dưới sự chủ trì của Thủ tướng nước chủ nhà Canada, Justin Trudeau.
Dù chủ đề chính của hội nghị năm nay bao gồm tăng cường đầu tư cũng như tạo việc làm để thúc đẩy tăng trưởng và bình đẳng giới, song căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh dự kiến sẽ phủ bóng lên cả 2 ngày nhóm họp.
Hiện các nước thành viên còn lại của G7 đều khẳng định sẽ thể hiện lập trường kiên quyết với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các phiên thảo luận, dù sẽ không quá căng thẳng do e ngại có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại lớn. Nước chủ nhà Canada cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo bày tỏ sự bất bình của mình một cách lịch thiệp và chân thành.
Một vấn đề khác cũng nổi lên tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là việc Mỹ đã kêu gọi chấm dứt việc loại Nga ra khỏi nhóm này đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của Moskva tại các hội nghị thượng đỉnh G7. Phát biểu bên lề hội nghị, Tổng thống Trump cho rằng các nước thành viên G7 cần để Nga trở lại tham gia bởi sự cần thiết của Moskva trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, việc có trở lại G7 hay không phụ thuộc hoàn toàn vào Nga.
Tuy nhiên, Nga đã bác đề xuất kêu gọi trở lại G7, khẳng định Moskva đang tập trung vào những khuôn khổ hợp tác và đối thoại khác.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 10/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
EU cùng ngày cũng khẳng định hiện chưa phải thời điểm để Nga trở lại G7. Phát biểu bên lề hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay các đại diện của EU đều nhất trí rằng hiện Nga vẫn chưa đáp ứng được những điều kiện để trở lại G7.
G7 gồm nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay là Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp, Italy, Canada và Liên minh Châu Âu (EU). Dự kiến, kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ kí kết một tuyên bố chung nêu rõ lập trường và sáng kiến chính sách đã được nhất trí.
Tuy nhiên, Pháp và Đức hiện cảnh báo sẽ không kí văn bản này nếu Washington không nhượng bộ. Về phần mình, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Trudeau, Tổng thống Trump dự đoán các bên có thể đạt được một tuyên bố chung.
Thủ tướng Merkel cùng ngày cũng cho rằng hiện tại là quá sớm để khẳng định hội nghị thượng đỉnh G7 có ra được tuyên bố chung hay không, do các nhà lãnh đạo của nhóm vẫn chưa đề cập đến thương mại và môi trường - hai vấn đề nghị sự nhạy cảm nhất hiện nay.
Trong nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng giữa các đồng minh tại hội nghị, Thủ tướng Merkel được cho đã đề xuất thiết lập một cơ chế "đánh giá và đối thoại chung" giữa các bên. Dù không có thêm thông tin chi tiết, song đề xuất này dường như đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo G7 khác.
Hiện có tin Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề nghị đến Washington để có được một đánh giá toàn diện về quan hệ thương mại EU-Mỹ nhằm giúp giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, lo ngại về sự leo thang trả đũa thương mại giữa Mỹ và các đồng minh đã khiến các thị trường tài chính thế giới phản ứng tiêu cực. Chốt phiên giao dịch 8/6, hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn toàn cầu đều giảm điểm, trong khi giá trị đồng USD lại tăng nhẹ so với các đồng tiền khác.