Ngày 15/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian để thảo luận về các thỏa thuận song phương trước đây, cũng như tình hình ở Ukraine và triển vọng khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 hồi năm 2015.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết Moskva đã nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ Washington về việc có thể tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Tehran như một phần của các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ông bày tỏ Moskva ủng hộ việc khôi phục sớm nhất có thể thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như đang chờ đợi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nhận định về những tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov, nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta cho rằng Điện Kremlin đã phát đi tín hiệu cho thấy Nga hoàn toàn “bật đèn xanh” cho Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân mới, bất chấp khả năng rằng khi các cấm vận kinh tế được dỡ bỏ, Iran có thể đánh bật Nga để nổi lên như một đối tác dầu mỏ quan trọng của phương Tây. Dù vậy, theo tờ Nezavisimaya Gazeta, Moskva cũng không còn lựa chọn nào khác.
Ông Vladimir Sazhin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân tại thủ đô của Áo đã đi đến giai đoạn quan trọng và thậm chí đã thông qua một dự thảo văn kiện cuối cùng, Moskva đã ra tuyên bố rằng mối quan hệ với Iran và các hợp tác song phương có thể kết thúc trong bế tắc bởi những lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Và chuyên gia này lưu ý rằng theo bình luận của Ngoại trưởng Lavrov, Moskva đã nhận được sự đảm bảo từ Mỹ rằng sự hợp tác giữa Tehran và Moskva sẽ không bị tổn hại. Vì vậy, nhiều khả năng các bên sẽ đạt được thỏa thuận mới và câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thu được lợi ích nào từ việc này hay không.
Theo ông Sazhin, số phận của thỏa thuận JCPOA có khả năng sẽ được định đoạt trong những tuần tới. Sự góp mặt của nguồn dầu mỏ Iran trên thị trường toàn cầu sẽ không chỉ có lợi cho các nước Liên minh châu Âu (EU) mà còn cả nước Mỹ. Washington cũng có thể trở thành đối tác thương mại của Tehran.
“Mỹ chỉ nhập khẩu dầu 7% nhu cầu dầu mỏ từ Nga nhưng họ đang tìm cách bù đắp khoảng trống này. Không phải ngẫu nhiên mà họ đang đàm phán với Venezuela. Mặc dù phía Đảng Cộng hòa không muốn mua dầu từ Tehran và Caracas, nhưng có lẽ, Mỹ vẫn phải làm như vậy", nhà nghiên cứu Vladimir Sazhin lưu ý.
Đáng lưu ý, trong tình huống các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva khiến giá dầu tăng vọt và gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu, Iran sẽ tham gia thị trường với tâm thế tự tin “ngẩng cao đầu".
Thỏa thuận JCPOA giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đứng bên bờ vực đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, trong đó có biện pháp khóa chặt hoạt động xuất dầu mỏ chủ lực của Iran. Điều này khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó.
Từ tháng 4/2021, các bên đã tiến hành 8 vòng đàm phán để khôi phục JCPOA. Các cuộc đàm phán được đánh giá đang đi đến giai đoạn cuối nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận.