“Giống như những người khác, chúng tôi không biết các tài liệu này đáng tin cậy đến mức nào. Song ngay cả khi gạt vấn đề đó sang một bên, rất lâu trước khi những tài liệu này xuất hiện, chúng tôi đã và đang có thông tin rằng nhiều huấn luyện viên từ các nước NATO và các máy bay chiến đấu tham gia chiến sự ở Ukraine”, ông Peskov nói.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng vụ rò rỉ tài liệu của Lầu Năm Góc có thể là một phần trong chiến dịch của Washington nhằm đánh lạc hướng Moskva.
“Do Mỹ là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine và về cơ bản đang tiến hành cuộc chiến hỗn hợp chống lại chúng tôi, những hành vi như vậy để đánh lừa đối phương - ở đây nghĩa là Nga - rất có thể xảy ra”, ông Ryabkov nói với các phóng viên ngày 12/4.
Nhà ngoại giao Nga cũng thừa nhận các tài liệu mật đã được xác thực trước đó cũng từng bị rò rỉ. Tuy nhiên, ông Ryabkov nói thêm rằng những tin đồn và thông tin hiện tại có độ chính xác đến mức nào vẫn là một câu hỏi mở đối với cá nhân ông.
Các hồ sơ tuyệt mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trong những tuần gần đây đã hé lộ nhiều thông tin nhạy cảm về một loạt chủ đề an ninh - bao gồm Ukraine, Trung Quốc và Trung Đông, cũng như cáo buộc Mỹ theo dõi quan chức các nước đồng minh, chẳng hạn như Hàn Quốc.
Dẫn một tài liệu mật, các phương tiện truyền thông cho rằng Washington đang theo dõi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một tài liệu khác cung cấp chi tiết mới về sự cố xảy ra hồi tháng 9/2022 liên quan đến máy bay chiến đấu của Anh và Nga trên Biển Đen.
Ngoài ra, theo các tài liệu này, máy bay chiến đấu của các đơn vị lực lượng đặc nhiệm của các nước NATO đã có mặt trên lãnh thổ Ukraine.
Trong khi một số quốc gia còn tranh cãi về tính xác thực của thông tin trong các tài liệu, trong tuyên bố hôm 10/4, Lầu Năm Góc cho biết một số tài liệu rò rỉ “dường như chứa tài liệu nhạy cảm và có độ bảo mật cao”.
Ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết chính phủ đang xem xét vụ rò rỉ một cách nghiêm túc và sẽ “lật từng viên đá” trong quá trình điều tra về nguồn gốc phát tán các tài liệu tuyệt mật trên mạng xã hội.
Trong khi đó, một nguồn tin quốc phòng Anh nói với tờ Financial Times rằng các báo cáo trong tài liệu bị rò rỉ “có nhiều điểm không chính xác và không phản ánh những gì đã xảy ra trong không phận quốc tế trên Biển Đen”.
Israel cũng lên tiếng bác bỏ tuyên bố trong một tài liệu bị rò rỉ rằng Cơ quan tình báo Mossad của nước này đang khuyến khích các cuộc biểu tình chống chính phủ trong nước.
Về phần mình, Ukraine cáo buộc Moskva đứng sau vụ rò rỉ nhằm chia rẽ quan hệ giữa Kiev và các đồng minh, cũng như làm hỏng kế hoạch phản công của Ukraine. Điện Kremlin đã ngay lập tức bác bỏ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Xu hướng luôn đổ lỗi cho Nga và đổ lỗi mọi thứ lên Nga hiện là một căn bệnh mãn tính”. Ông nói thêm Nga cũng không biết mức độ xác thực của các tài liệu bị rò rỉ. Moskva cũng cho rằng tài liệu mật bị rò rỉ là bằng chứng cho thấy Washington nghe lén cả đồng minh.
Giới lãnh đạo Ukraine khẳng định vụ lộ tài liệu không ảnh hưởng đến chiến lược phản công của Ukraine và quân đội sẽ đưa ra quyết định phản công vào thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal tiết lộ, kế hoạch phản công của nước này có thể phải chờ đến mùa hè, thay vì mùa xuân như dự đoán. Ông nhấn mạnh Kiev “không chịu sức ép phản công từ các đồng minh, đối tác”.