Trong 24 giờ qua, Nga đã có thêm 22.410 người mắc COVID-19, trong đó riêng tại thủ đô Moskva là 5.882 người. Tổng số ca nhiễm hiện nay tại Nga là 1.971.013 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, cùng ngày, Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu và sức khỏe con người Rospotrebnadzor, bà Anna Popova, cho biết một số biến thể nhất định của chủng virus SARS-CoV-2 đang hình thành tại khu vực Siberia của nước này.
Phát biểu tại hội nghị chuyên đề trực tuyến “Đại dịch COVID-19: Thử thách đối với khoa học đương đại”, bà Popova thông báo lực lượng chức năng Nga đã xác định được những thay đổi trong protein và những thay đổi này đã được phát hiện ở khu vực Siberia.
Trước đó, ngày 11/11, Phó Giám đốc phụ trách khoa học Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương của Rospotrebnadzor, ông Alexander Gorelov, cũng đã đề cập tới những đột biến (không quá 1%) của bộ gene virus SARS-CoV-2. Theo ông Gorelov, các đột biến được xác định của virus này không làm tăng mức độ nghiêm trọng về lây nhiễm và các hệ thống xét nghiệm hiện có đều có thể phát hiện đột biến.
* Cũng trong ngày 17/11, Bộ Y tế Bulgaria thông báo nước này đã ghi nhận thêm 152 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.282 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Âu này ghi nhận thêm 3.519 ca nhiễm, đưa tổng số người mắc bệnh lên 101.770 người.
Bulgaria ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 vào ngày 8/3. Sau đó 5 ngày, nước này đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trên cả nước, và duy trì số ca nhiễm tương đối thấp so với các nước trong khu vực, với 2.519 người mắc bệnh tính tới ngày 1/6. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh tại Bulgaria bắt đầu tăng nhanh chóng do việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.
* Cùng ngày, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền thành phố Istanbul - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Theo đó, toàn bộ các viện bảo tàng, cơ sở thể dục - thể thao, hồ bơi, trung tâm văn hóa đều phải đóng cửa từ ngày 19/11.
Trước đó, Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu đã kêu gọi phong tỏa hoàn toàn thành phố có16,5 triệu dân này trong ít nhất 2 tuần. Hiện số ca nhiễm tại Istanbul chiếm khoảng 50% tổng số ca bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn khi thời tiết lạnh hơn.
* Trong khi đó, do lo ngại dịch COVID-19, cảnh sát Pháp đã giải tỏa một trại tị nạn bên ngoài sân vận động Stade de France, ở phía Bắc thủ đô Paris, nơi trú ngụ của khoảng 2.000 người, chủ yếu là người Afghanistan và châu Phi.
Những người tị nạn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ phải cách ly, trong khi những người có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đưa đi các trại tị nạn và trung tâm thi đấu thể thao khác trên khắp thủ đô Paris.
Lâu nay, thủ đô Paris là điểm dừng chân chính trên hành trình của người di cư tới châu Âu, với các trại tị nạn mọc lên như nấm khắp thành phố này. Các trại này chỉ bị giải tỏa vài tháng trước, khi dịch COVID-19 tấn công nước Pháp.
Trong đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4, nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, cảnh sát cũng đã giải tỏa một trại tị nạn khoảng 700 người ở ngoại ô Aubervilliers, gần sân vận động Stade de France.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Paris khẳng định những trại tị nạn này là không thể chấp nhận được. Những người tị nạn được cho phép ở lại nước Pháp sẽ được cung cấp chỗ ở, nhưng những người tị nạn không phép sẽ không được ở lại trên nước Pháp.