Thông tin trên được một số quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ cho hãng tin CNN.
Nga cho rằng đã xuất hiện các tay súng phiến quân trong khu vực quân đội Mỹ bảo vệ. Tuyên bố của Moskva đã khiến các chỉ huy Mỹ lo ngại rằng các lực lượng Washington sẽ gặp nguy hiểm nếu Nga thực sự tấn công.
Theo nguồn quan chức quốc phòng Mỹ, mục tiêu tấn công trong lời cảnh báo của Nga là căn cứ liên minh chống khủng bố ISIS do Mỹ dẫn đầu At Tanf. Quân đội Mỹ đang thiết lập vùng cấm rộng 55km xung quanh căn cứ này. Với vị trí gần biên giới Syria, Jordan và Iraq, căn cứ At Tanf được xem là địa điểm chiến lược trong bối cảnh Mỹ, Iran và Nga cạnh tranh giành sức ảnh hưởng trong khu vực.
Quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng phía Moskva có thể sử dụng máy bay hoặc tàu chiến hải quân ở phía đông Địa Trung Hải để triển khai một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu mà họ cho là có phiến quân, gây ra một cuộc đối đầu có thể vô tình lôi kéo lực lượng Mỹ vào nếu Nga tấn công mục tiêu không chính xác. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu tập kết nào của lực lượng bộ binh Nga trong những ngày gần đây.
Mặc dù quan chức Mỹ không tiết lộ phương thức Moskva chuyển lời cảnh báo tới Washington, song Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, đã nhận thông tin tình báo mới nhất. Theo đó, quân đội Mỹ trong khu vực có quyền tự vệ nếu họ bị tấn công và không cần xin phép cấp cao hơn trong chính phủ trước khi hành động.
Một quan chức Mỹ cho biết: "Chúng tôi tuyệt đối muốn khuyến cáo họ nên tránh khỏi At Tanf. Chúng tôi hoàn toàn có ý định đáp trả. Mỹ không tìm cách chống lại chính phủ Syria hoặc bất kỳ bên nào hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu bị tấn công, Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng các lực lượng cần thiết để tự vệ hoặc bảo vệ liên minh hoặc các lực lượng đối tác”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/9, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết hơn 100 binh sĩ đang tiến hành cuộc tập trận "chống IS" ở căn cứ At Tanf. Giải thích với CNN, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung tâm, Trung tá Earl Brown, cho biết cuộc tập trận này là thông điệp rõ ràng gửi tới Nga: Mỹ không cần sự giúp đỡ của Nga trong việc xử lý khủng bố trong khu vực.
"Mỹ không cần bất kỳ sự trợ giúp nào để tiêu diệu IS trong vùng cấm địa At Tanf... Nga đã nhất trí vùng cấm rộng 55 km xung quanh căn cứ At Tanf nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột giữa các lực lượng và duy trì kết nối thông qua các kênh hòa giải. Chúng tôi hi vọng Nga tuân thủ theo thỏa thuận. Nếu Nga vi phạm, nó có thể dẫn tới một cuộc leo thang nghiêm trọng ở khu vực vốn bị chiến tranh tàn phá".