Theo đài RT ngày 13/4, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói: “Chúng tôi đã thấy những nỗ lực phá hoại và tấn công của quân đội Ukraine nhằm vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga. Nếu Ukraine tiếp tục những nỗ lực như vậy, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga sẽ tấn công vào các trung tâm có vai trò ra quyết định, bao gồm cả Kiev”.
Mặc dù ông Konashenkov không nói rõ về cuộc tấn công hay âm mưu phá hoại nào, nhưng ngày 11/4, Nga đã tuyên bố cảnh báo khủng bố cao độ ở ba khu vực giáp biên giới với Ukraine là Bryansk, Kursk và Belgorod cũng như một số thành phố biên giới ở các khu vực Krasnodar, Voronezh và Crimea.
Theo truyền thông địa phương, lực lượng phòng không ở khu vực Belgorod của Nga đã liên tục hoạt động trong tuần qua. Lúc đầu, Ukraine tuyên bố và sau đó lại bác bỏ gây ra cuộc tấn công ngày 1/4 do hai máy bay trực thăng thực hiện nhằm vào kho nhiên liệu ở phía nam thành phố Belgorod, dù không dẫn đến thương tích hoặc tử vong nhưng đã gây ra thiệt hại lớn về vật chất.
Nhà chức trách Nga cũng đang điều tra vụ tấn công bằng tên lửa ngày 29/3 khi ít nhất 3 tên lửa Tochka-U được bắn từ Ukraine vào một đơn vị quân đội gần Belgorod. Các loại bomn chùm bị quốc tế cấm đã làm 8 công dân Nga bị thương và 21 phương tiện cũng như một số tòa nhà bị hư hỏng.
Trong khi đó, Thiếu tướng Kirill Budanov tại Bộ Quốc phòng Ukraine lại cáo buộc rằng Nga đổ lỗi cho phía Ukraine.
Nga đã đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2 sau 7 năm bế tắc do Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk và chấm dứt xung đột với các khu vực đòi độc lập Donetsk và Lugansk. Nga cuối cùng đã công nhận hai khu vực này là quốc gia độc lập.
Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa Donbass bằng vũ lực.
Trước đó, ngày 12/4, ông David Arakhamia, một thành viên trong phái đoàn đàm phán của Ukraine, khẳng định lập trường đàm phán của Kiev trong các cuộc hòa đàm với Moskva vẫn không thay đổi. Ông Arakhamia nhấn mạnh phía Ukraine tuân thủ những đề xuất mà nước này vạch ra trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sự khác biệt duy nhất là phía Ukraine không tính đến tất cả các vấn đề bổ sung vốn không được đưa vào trong tuyên bố Istanbul. Ông cho rằng điều này có thể dẫn đến diễn giải sai về tình trạng hiện tại của quá trình đàm phán. Quan chức này cũng cho biết các cuộc đàm phán liên quan đến đảm bảo an ninh cho Ukraine vẫn tiếp tục theo hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, Cố vấn tổng thống Ukraine đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của nước này Mykhaylo Podolyak thừa nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nga nhằm chấm dứt xung đột là vô cùng khó khăn sau khi Moskva cáo buộc các nhà đàm phán Ukraine làm chậm các cuộc thảo luận bằng cách thay đổi các yêu cầu.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ukraine đã thay đổi lập trường so với cuộc đàm phán hòa bình hồi tháng trước tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Putin, tình trạng không nhất quán" của Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga đang làm chậm tiến trình này. Ông lưu ý cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ tiếp tục để hoàn thành đầy đủ mọi nhiệm vụ.