Phát biểu với báo giới ngày 28/11, sau cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis tại Geneva, Thụy Sĩ, bên lề một hội nghị của Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ và các nước châu Âu sẵn sàng "dung túng" cho Ukraine, đồng thời coi đây là điều "thực sự đáng tiếc".
Theo ông, các thủy thủ trên một con tàu của Ukraine, vốn bị các lực lượng Nga bắt giữ, đã bí mật tìm cách thâm nhập vào lãnh hải Nga thông qua Eo biển Kerch giữa Biển Đen và Biển Azov. Ngoại trưởng Nga cho biết các nhân viên biên giới và điều tra viên nước này đã đưa ra các tài liệu cho thấy rõ ràng 3 con tàu của Ukraine đã được lệnh không thông báo cho phía Nga khi qua Eo biển Kerch và cố gắng thâm nhập vào Biển Azov một cách bí mật.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang lợi dụng tình hình căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đen để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử Ukraine vào năm tới. Phát biểu tại một diễn đàn tài chính tại Moskva, Tổng thống Putin chỉ trích vụ đụng độ tại Biển Đen "rõ ràng là một hành động khiêu khích" do Tổng thống Poroshenko "dàn dựng trước thềm cuộc bầu cử" nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong nước.
Theo ông, vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá". Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng khẳng định Kiev là bên sai trong vụ đụng độ. Ông nêu rõ các tàu của Ukraine đã không tuân thủ đúng luật khi đi qua Eo biển Kerch để vào Biển Azov thuộc lãnh hải Nga, và không phản ứng trước liên lạc radio từ lực lượng biên giới Nga, đồng thời khẳng định các hành động của phía Nga là trong vụ việc là chính đáng.
Trước đó, ngày 25/11, Nga đã bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov.
Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga và đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại một số khu vực biên giới. Ngày 28/11, Ukraine đã công bố vị trí của 3 con tàu này khi bị Nga bắt giữ.
Tuy nhiên, Moskva cáo buộc Kiev không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.
Trước tình hình trên, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" đối với việc gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Trước đó, ngày 27/11, Tổng thống Mỹ cho biết ông đang cân nhắc lại cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Argentina.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phản đối việc Nga sử dụng vũ lực, bắt giữ 3 con tàu của Ukraine. Tuy nhiên, tuyên bố ra ngày 28/11, sau cuộc họp kéo dài 3 ngày giữa các quan chức cấp cao của 28 nước thành viên EU, không đề cập tới khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva, thay vào đó khẳng định EU sẽ "hành động hợp lý, phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế".