Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Lavrov cũng cho biết Mỹ đang huấn luyện cho các lực lượng vũ trang ở châu Âu cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược để chống Nga. Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định việc Mỹ duy trì các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược tại châu Âu là rào cản đối với tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân.
Theo Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng 2 vừa qua, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hệ thống bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm các vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không, được triển khai rộng rãi hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, cho đến khi có chương trình các chương trình thay thế khác.
NPR đã vạch ra chính sách của Mỹ trong tương lai hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân. Tài liệu này nhận định nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân. Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.
NPR đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton. Báo cáo lập luận rằng Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn mà hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn như một lựa chọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai.
Ngay sau khi khi NPR được công bố, Nga đã lên án bản chất "hiếu chiến" và "chống Nga" trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia của mình.