Theo hãng thông tấn TASS, Phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Nga bà Zakharova không loại trừ khả năng một số quốc gia phương Tây có thể tham gia lên kế hoạch cho diễn biến ngày 25/11 vừa qua trên Eo biển Kerch.
“Đây là một sự khiêu khích cố ý. Tôi nghi ngờ rằng một vài quốc gia phương Tây biết hoặc thậm chí tham gia lên kế hoạch. Đó là lý do vì sao chuyện này không thể là vô tình được. Các báo cáo đánh giá đang được tiến hành, chỉ để chứng minh điều đó”, bà Zakharova trả lời phỏng vấn trên kênh Channel One.
Ngày 25/11, ba tàu chiến của Hải quân Ukraine đã xâm nhập trái phép lãnh hải Nga khi trên đường từ Biển Đen tới thành phố cảng Mariupol. Phía Nga buộc phải sử dụng vũ khí để ngăn tàu dừng lại. Ba trong số các thủy thủ đoàn bị thương nhẹ song cũng nhận được hỗ trợ y tế từ phía Nga. Cả 3 tàu đều được đưa về cảng Kerch.
Nga miêu tả vụ việc là một sự khiêu khích, trong khi giới chức Ukraine tuyên bố thiết quân luật. Cả Liên minh châu Âu và NATO đều kêu gọi các bên giảm leo thang tình hình.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, giới chuyên gia nhận định Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không thể nào tiến hành khiêu khích mà không có sự trợ giúp từ thế lực bên ngoài.
“Phương Tây, chủ yếu là Mỹ, người cho đến nay không dám thách thức Nga về mặt quân sự trên biển Azov, rõ ràng là đẩy Tổng thống Poroshenko vào cuộc tấn công. Hy vọng của họ là Nga sẽ có phản ứng quân sự và trở thành bên gây hấn”, chuyên gia địa chính trị người Pháp Jean-Paul Baquiast giải thích.
Chuyên gia quân sự Bỉ Pierre Henrot chia sẻ quan điểm với người đồng nghiệp Pháp: “Khi chính quyền Kiev cử ba tàu hải quân nhỏ vượt qua Eo biển Kerch mà không cảnh báo Nga, đó đơn thuần là một sự khiêu khích hoặc kiểm tra thái độ của Nga. Ukriane được Washington khuyến khích ư? Rất có thể”.
Ông Henrot cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi tình hình có thể dẫn đến việc Moskva phong tỏa cảng Mariupol và khuyến cáo Kiev không nên làm phiền "gấu Nga".
Theo Nina Bashkatov - một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Liege (Bỉ), không loại trừ khả năng sự khiêu khích ở Eo biển Kerch tìm cách làm lu mờ cuộc họp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump cũng như ngăn cản hai nhà lãnh đạo “xích lại gần nhau”.
“Sự cố Eo biển Kerch xảy ra đúng lúc để ‘đầu độc’ cuộc gặp tại Hội nghị G20, nơi hai nhà lãnh đạo Trump và Putin sẽ gặp nhau vào cuối tuần này. Đây là một sự khiêu khích có chiến thuật, được hình thành để ngăn chặn bất kỳ sự xích lại gần nhau giữa các siêu cường quốc”, chuyên gia Bashkatov bày tỏ.