Nga cấp phép sử dụng trong nước loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3

Ngày 20/2, Nga đã cấp phép sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 có tên CoviVac do Trung tâm Chumakov Centre phát triển và sản xuất.

Đây là loại vaccine thứ 3 được Nga cấp phép sử dụng trong nước, sau 2 loại vaccine là Sputnik V của Viện Gamaleya và 1 loại vaccine của viện Vector. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 22/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã công bố thông tin này trên truyền hình. Ông bày tỏ sự tự hào khi Nga là quốc gia duy nhất hiện sở hữu 3 loại vaccine ngừa COVID-19. 

Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9. Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%. Theo thông báo ngày 10/2 của Bộ Y tế Nga, kể từ đó đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vaccine Sputnik V. Hiện Nga đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine của viện Vector.

Không giống như vaccine Sputnik V có cơ chế sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch, vaccine CoviVac là loại vaccine hàm chứa toàn thành phần virus, qua đó được đánh giá là loại vaccine có khả năng bảo vệ người dùng trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. Hiện Nga chưa triển khai tiêm chủng loại vaccine này. 

Cùng ngày, theo Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova, nước này sẽ sản xuất 88 triệu liều vaccine COVID-19 trong nửa đầu năm nay, trong đó có 83 triệu liều vaccine Sputnik V. Theo bà, 59 triệu liều vaccine trong số đó sẽ được phân phối cho các chương trình tiêm chủng trong nước. Đến nay, Nga đã sản xuất tổng cộng 11,1 triệu liều vaccine, trong đó có 7,9 triệu liều đã được phân phối cho các chương trình tiêm chủng nội địa. 

* Ngày 20/2, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết Ghana đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Như vậy, Ghana đã trở thành quốc gia thứ 31 trên thế giới và quốc gia thứ 5 ở châu Phi cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga.

* Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, ngày 20/2 New Zealand đã chính thức triển khai rộng rãi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng biên phòng và nhân viên kiểm dịch biên giới sau khi tiến hành tiêm chủng cho một nhóm nhỏ các nhân viên y tế trong ngày hôm trước.  

Phát biểu trước các phóng viên ở thành phố Auckland, quan chức Bộ Y tế New Zealand Ashley Bloomfield tuyên bố khởi động chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đất nước, bắt đầu bằng với tiêm vaccine Pfizer-BioNtech cho lực lượng kiểm soát biên giới, một bước quan trọng trong việc bảo vệ người dân New Zealand. 

Vào đầu tuần này, khi New Zealand tiếp nhận 60.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố nước này đã đặt mua đủ lượng vaccine để tiêm miễn phí cho hơn 5 triệu người và tất cả người nước ngoài đang có mặt ở đây. Chiến dịch tiêm chủng ở New Zealand dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm.

Lan Phương - Nguyễn Minh (TTXVN)
Nhiều nước châu Âu tăng cường các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh COVID-19
Nhiều nước châu Âu tăng cường các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh COVID-19

Ngày 19/2, Bộ Y tế Italy thông báo các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt hơn đối với 3 khu vực, nhưng không áp đặt với các thành phố lớn nhất đất nước, gồm Rome và Milan. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN