Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti ông Grushko tuyên bố NATO đã từ chối các nội dung nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga. Ông cho rằng hiện tại NATO chưa có nhận thức về việc thoát khỏi ngõ cụt này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga đánh giá việc NATO quyết định dừng các tiếp xúc làm việc trong lĩnh vực quân sự với Nga là không có lý do, vì nền an ninh tại châu Âu phụ thuộc nhiều chính vào quan hệ giữa Nga và NATO. Ông Grushko chỉ ra rằng hiện tại quan hệ giữa hai bên đang lặp lại tình trạng Chiến tranh Lạnh như khi NATO mới được thành lập. Trong bối cảnh đó, cần phải quay trở lại học thuyết đối thoại và kiềm giữ, tuy nhiên hiện tại có nhiều "kiềm giữ" và rất ít "đối thoại".
Ông Grushko cho biết chi phí quân sự của NATO (khoảng 1.000 tỷ USD) hiện cao hơn chi phí của Nga gấp 22 lần, song Moskva không có ý định tham gia chạy đua để gia tăng chi phí, mà hướng tới các biện pháp "tiết kiệm, trọng điểm và hiệu quả".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho rằng NATO có thể đổi mới thông qua con đường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đích thực với Nga. Tuy nhiên, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO năm 2010 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) NATO đã không thể "hy sinh" tính chất "độc quyền" của mình, do đó không tìm ra được nghệ thuật nhượng bộ và làm việc vì những lợi ích chung, thay vì lợi ích nhóm.
Ông Grushko đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi các tướng lĩnh về hưu cũng như đương nhiệm của Mỹ bày tỏ quan ngại rằng tình trạng thiếu sự liên lạc giữa Moskva và Washington có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân “vì sai lầm hoặc tính toán sai”.
Trước đó, NATO cũng đã tuyên bố đình chỉ mọi hợp tác quân sự và dân sự với Moskva vào năm 2014 sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập trở lại Nga. Thời gian gần đây, quan hệ giữa hai bên cũng chứng kiến thêm nhiều tín hiệu xấu như việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Ngày 10/4 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Aleksander Fomin cho biết lãnh đạo Mỹ và các nước thành viên NATO cũng đã từ chối tham dự Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại thủ đô Moskva từ ngày 23-25/4.
Theo ông Fomin, phía Nga đã gửi lời mời đến tất cả 124 quốc gia, trong đó hơn 100 nước xác nhận tham dự, còn Mỹ và các nước châu Âu đều từ chối tham gia. Tuy nhiên, bất chấp sự từ chối đó, Nga vẫn dự định sẽ thảo luận các vấn đề quốc tế có liên quan như Syria và Iraq, tình hình khôi phục ở các nước, hồi hương người tị nạn, ổn định khu vực, chống phổ biến chủ nghĩa khủng bố sang các khu vực khác.
Hội nghị cũng sẽ xem xét các phương diện của vấn đề an ninh tại châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Trong các vấn đề nghị sự cụ thể có hệ thống phòng thủ tên lửa, đưa vũ khí lên vũ trụ, các hoạt động kiến tạo hòa bình và cách tiếp cận mới với hợp tác quân sự.
Kể từ năm 2014 đại diện NATO đã không tham dự các hội nghị an ninh quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức.