Trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng sức ép dồn dập đối với chính phủ Xyri, Nga vừa tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cho phép can thiệp bằng vũ lực vào Xyri. Trong khi đó, Pháp lại lên tiếng chỉ trích HĐBA LHQ vì đã “im lặng" trước tình hình Xyri.
Nga gửi tàu chiến đễn căn cứ hải quân tại Xyri. Ảnh: Internet |
Phát biểu tại Mátxcơva ngày 14/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ghennady Gatilov khẳng định với tư cách là ủy viên thường trực HĐBA LHQ, Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết để không cho phép thông qua bất kỳ nghị quyết nào nhằm can thiệp bằng vũ lực trực tiếp hoặc gián tiếp vào Xyri.
Trước đó, cũng trong ngày 14/12, sau cuộc gặp Ngoại trưởng Angiêri Mourad Medelci tại Mát xcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích những biện pháp trừng phạt Xyri, đồng thời gọi cách tiếp cận của phương Tây đối với vấn đề Xyri là "vô đạo đức". Theo ông Lavrov, nếu các bệnh pháp trừng phạt có thể giúp chấm dứt bạo lực và duy trì hòa bình, ổn định trong xã hội Xyri, thì Nga sẽ trở thành những người cổ vũ tích cực nhất cho những biện pháp này. Tuy nhiên, tất cả kinh nghiệm của Nga cho thấy các biện pháp cấm vận không bao giờ đem lại hiệu quả và không nên áp dụng nó, trừ những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Ông Lavrov cho rằng cũng cần phải lên án các lực lượng chống đối ở Xyri, yêu cầu họ chấm dứt mọi hành động bạo lực và khiêu khích vũ trang. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh việc chỉ lên án các lực lượng thân chính phủ Xyri cũng như ban lãnh đạo nước này chỉ có thể dẫn tới một kịch bản bi thảm như đã từng xảy ra tại Libi.
Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud lại khăng khăng cho rằng HĐBA LHQ có trách nhiệm đạo đức đối với những người dân đang bị trấn áp tại Xyri. Ông này cho rằng tình hình tại Xyri hiện rất đáng lo ngại và nhà chức trách Xyri phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra. Theo ông Arau, Pháp và một số nước khác trong HĐBA coi sự im lặng của HĐBA là một điều tai tiếng. HĐBA phải có trách nhiệm đạo đức về những gì đang xảy ra tại Xyri. Pháp ủng hộ các nỗ lực của Liên đoàn Arập (AL) và muốn HĐBA bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với AL.
Theo Cao ủy phụ trách nhân quyền của Liên hợp quốc, bà Navi Pillay, số nạn nhân thiệt mạng tại Xyri kể từ nổ ra khi các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lên đến hơn 5.000 người. Nhà chức trách Xyri đã bắt giữ 14.000 người và 12.400 người phải tị nạn tại các quốc gia lân cận. Ngược lại phía chính phủ Xyri cho biết hơn 1.100 binh lính và nhân viên an ninh của họ đã thiệt mạng. Hiện rất khó kiểm chứng chính xác số người chết do bạo loạn tại Xyri vì không có quan sát viên độc lập tại chỗ và chính phủ nước này cũng không cho báo chí nước ngoài tiếp cận hiện trường.
TTXVN/Tin Tức