Nga chỉ trích lập trường của NATO cản trở hợp tác giữa hai bên

Nga quan ngại việc NATO tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực quân sự, trong đó các văn kiện nhấn mạnh việc chống lại các mối đe dọa, dù không nói thẳng nhưng ám chỉ Nga.

Đại diện thường trực Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Alexander Grusko cho rằng hiện không có thay đổi cơ bản trong lập trường của NATO đối với Nga mà khối này vẫn kết hợp đối thoại với tăng cường quốc phòng và kiềm chế Moskva.

Ngày 7/12, phát biểu đánh giá về kết quả cuộc họp không chính thức ngoại trưởng các nước NATO tại Brussels (Bỉ), ông Grusko nhấn mạnh NATO tiếp tục thành lập các sở tham mưu mới, thường xuyên tuyên bố về sự cần thiết tăng cường hiện diện ở Biển Đen. Đây là một khuynh hướng rất nguy hiểm.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo chung trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 6/12. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông, kế hoạch tăng chi tiêu quân sự của các nước NATO lên 2% GDP sẽ tăng chi tiêu quân sự của tổ chức này thêm hơn 100 tỉ USD, cao hơn nhiều ngân sách quốc phòng của Nga. Nếu khoản tăng chi tiêu này dùng để mua vũ khí sẽ có thể dẫn đến đối đầu quân sự như thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Grusko cũng cho biết Nga quan ngại việc NATO tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực quân sự, trong đó các văn kiện nhấn mạnh việc chống lại các mối đe dọa, dù không nói thẳng nhưng ám chỉ Nga.

Đại diện Nga khẳng định an ninh bền vững tại châu Âu chỉ có thể thiết lập cùng với nước Nga, không thể có an ninh thiếu nước Nga hoặc chống lại nước Nga. Điều này đòi hỏi tôn trọng lợi ích quốc gia, bình đẳng và hiểu rõ mục tiêu hai bên cùng hướng đến. Nếu NATO thực sự sẵn sàng muốn giảm căng thẳng, cần phải ngừng nỗ lực tăng cường lực lượng tại sườn phía Đông và chuyển sang đối thoại về việc cùng nhau củng cố an ninh.

Ông Grusko nêu rõ việc tăng cường lực lượng tại sườn Đông của NATO không chỉ giới hạn ở 4 tiểu đoàn đa quốc gia mà còn có 2 lữ đoàn của Mỹ cũng như kế hoạch bố trí tại châu Âu các loại vũ khí đủ cho một lữ đoàn xe tăng để thực hiện các chiến dịch tấn công.

Theo đại diện Nga, quan hệ Nga-NATO xấu đi từ lâu trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ được NATO sử dụng để tuyên truyền cho kế hoạch tăng cường lực lượng của tổ chức này. Quan hệ giữa hai bên bắt đầu xấu đi kể từ năm 2004 khi NATO thông qua quyết định tuần tra không phận các nước Baltic.

TTXVN/Tin Tức
EU và NATO thành lập Trung tâm Chống nguy cơ hỗn hợp
EU và NATO thành lập Trung tâm Chống nguy cơ hỗn hợp

Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ thành lập Trung tâm Chống các nguy cơ hỗn hợp ở châu Âu trong năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN