Nga chính thức gia nhập WTO

Ngày 22/8/2012, Nga chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 30 ngày kể từ khi Tổng Thống Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật này vào ngày 21/7. Như vậy, sau hành trình 18 năm đàm phán đầy cam go, có lúc tưởng chừng bế tắc, Nga đã đến đích cuối cùng, bước vào con đường hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng, hoàn thành mục tiêu mà người dân “xứ sở Bạch Dương” theo đuổi trong gần hai thập kỷ qua.


Nhiều cơ hội


Việc quốc hội thông qua và Tổng thống Putin ký phê chuẩn Nghị định thư về gia nhập WTO chỉ mang tính thủ tục. Trên thực thế, Nga đã đặt chân vào sân chơi thương mại toàn cầu từ khi Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, trong cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 13/12/2011, tuyên bố chấp thuận Nga là thành viên chính thức của WTO và cũng chính từ “thời khắc lịch sử” đó, nước Nga, với dự trữ ngoại hối lớn thứ ba thế giới, đã bước vào một cuộc chơi hứa hẹn không ít thành công.
Có thể những khó khăn của kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay khó để người dân Nga chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của làn sóng đầu tư như Trung Quốc đã tận hưởng khi gia nhập WTO hồi cuối năm 2001. Song, điều này không có nghĩa là Nga không có cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài. Các chuyên gia tin rằng, địa hình đặc biệt trải rộng trên hai lục địa Âu – Á với sự đa dạng về địa lý – kinh tế mà nhiều quốc gia khác không có được, chính là lợi thế rất mạnh của Nga.

 

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Liên bang Nga Elvira Nabioullina (ngồi, bên trái), Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy (ngồi, bên phải) sau khi ký kết văn bản Nga gia nhập WTO ở Geneva ngày 16/12/2011.
Ảnh: AFP/TTXVN


Nếu như việc tham gia sân chơi toàn cầu này buộc Nga phải giảm thuế nhập khẩu và gỡ bỏ rào cản đối với các lĩnh vực kinh tế then chốt cho các nhà đầu tư nước ngoài thì WTO cũng mang đến những lợi ích to lớn cho tất cả các vùng miền của nước Nga. Sự mở cửa bắt buộc về thị trường sẽ giúp Nga tự “chữa trị” một điểm yếu lớn, đó là phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Có vị trí trong câu lạc bộ thương mại số một thế giới này cũng đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải xây một hệ thống luật chặt chẽ cho phù hợp với các yêu cầu mới. Điều đó tất yếu sẽ dẫn tới một môi trường kinh doanh minh bạch hơn và xóa bỏ quan niệm rằng môi trường đầu tư tại Nga chưa ở điều kiện tốt nhất, khi tình trạng tham nhũng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... đang là những mặt trái khiến nhà đầu tư phàn nàn.


Việc Nga trở thành thành viên 156 của WTO cũng được tổ chức này xem như một sự kiện quan trọng có thể chấm dứt một nghịch lý là quốc gia lớn nhất thế giới, giàu tài nguyên bậc nhất thế giới, thành viên duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) vẫn nằm ngoài WTO. Tất cả các thành viên của tổ chức thương mại có ảnh hưởng nhất hành tinh đều tin rằng với sự tham gia của Nga, một môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh giữa các nước với thị trường đầy tiềm năng này sẽ được thiết lập. Cánh cửa giao thương với nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới cũng sẽ được mở rộng với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, vòng đàm phán Doha đình đốn và xu hướng bảo hộ đang có dấu hiệu trở lại. Sau nỗ lực vừa thành công của Nga, WTO cũng có thêm sức mạnh khi chiếm tới 97% toàn bộ giao dịch thương mại toàn cầu.


Lắm thách thức


Bên cạnh những lợi thế mà Nga có thể giành được từ việc gia nhập WTO, nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD này vẫn phải đối mặt với khá nhiều thách thức vì nước Nga chưa phải là nền kinh tế có ảnh hưởng lớn, chưa phải là đối tác hàng đầu đối với những nước thân cận như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng không phải là đối tác hàng đầu đối với bất cứ một nền kinh tế chủ chốt nào trên thế giới, thậm chí cả các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).


Các chuyên gia kinh tế dự đoán năm 2012, kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ rơi vào suy thoái lần thứ hai, và cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đe dọa nhấn chìm nhiều nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone). Các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về sự chênh lệch giữa sự gia tăng đáng kể của nhu cầu trong nước và sự suy giảm tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, lĩnh vực Nga đang bị coi là lạc hậu (trừ công nghiệp quốc phòng). Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2012, tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ vào khoảng 2,5% - 2,6% và tăng trưởng cả năm sẽ không cao hơn 3%.


Việc thay đổi các chính sách kinh tế - xã hội để phù hợp với luật lệ của WTO cũng là một trong những khó khăn tại các khu vực kinh tế. Chẳng hạn, khi trở thành thành viên của WTO, Nga sẽ phải chấp nhận những ràng buộc trong vai trò là nhà cung cấp chủ chốt nguyên liệu thô. Công ty dầu khí quốc gia Gazprom của Nga sẽ phải chia sẻ quyền lợi của mình theo các qui định của WTO về chống độc quyền. Ngoài ra, Nga cũng buộc phải nhượng bộ Mỹ, EU và cam kết giảm thuế đối với nông sản xuống 10,8% so với mức 13,2%, hàng hóa công nghiệp sẽ giảm xuống còn 7,3% so với mức 9,5% hiện nay.


Mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, các rào cản thương mại bị dỡ bỏ, chính sách thuế được điều chỉnh theo hướng giảm dần theo lộ trình và có nhiều dòng thuế được kéo về 0%, chính là yếu tố tạo điều kiện cho hàng ngoại ồ ạt vào Nga. Vì vậy, sản xuất trong nước, nhất là đối với hàng tiêu dùng trong giai đoạn đầu sau khi vào WTO, chắc chắn sẽ bất lợi... Theo các nhà phân tích, những thay đổi trên, nếu “sơ sẩy”, có thể đẩy Nga rơi vào nguy cơ bị “xếp hạng chót” giữa các nền kinh tế mới nổi.


Mặc dù vậy, người ta tin rằng nước Nga với sức mạnh và sự tự tin vốn có, sẽ không khuất phục trước khó khăn. Việc duy trì được tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển trì trệ trong những năm qua là một minh chứng rõ nhất cho thấy nước Nga đã “lội ngược dòng”. Đặc biệt, việc hoàn thành mục tiêu gia nhập WTO, cũng chính là nước Nga đã hoàn thành một giai đoạn hội nhập quan trọng với nhiều cơ hội. “Hành trình ra biển lớn” trước mắt sẽ là động lực để Nga tiếp tục khẳng định mình trên con đường tìm kiếm một vị thế mới trên bản đồ kinh tế thế giới.


Phương Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN