Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin được công bố trên cổng thông tin pháp lý hôm 30/12, các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga có thể giải quyết nợ với những khách hàng ở các quốc gia “không thân thiện” bằng đồng ngoại tệ, trong trường hợp thu hồi khoản nợ cung cấp khí đốt từ những người mua đó hoặc nếu khách hàng tự trả nợ.
Sắc lệnh quy định rằng các khoản thanh toán có thể được thực hiện bằng ngoại tệ, sử dụng tài khoản đặc biệt do ngân hàng được uỷ quyền trên cơ sở ứng dụng của nhà cung cấp Nga.
Đồng thời, sắc lệnh lưu ý “việc trả nợ của khách hàng nước ngoài theo hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên không phải là căn cứ để nối lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nhà cung cấp Nga, trong trường hợp người mua nước ngoài không tuân thủ quy trình theo sắc lệnh này”.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva và kêu gọi giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của nước này. Điện Kremlin đáp trả bằng cách yêu cầu “các nước không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Theo đó, kể từ ngày 1/4 năm nay, khách hàng từ các quốc gia “không thân thiện” chỉ có thể thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Tuy nhiên, xét đến vấn đề tiền tệ của các hợp đồng (thường là USD và euro), Moskva đã nhượng bộ đối tác. Khách hàng sẽ phải chuyển tiền bằng ngoại tệ cho Gazprombank, ngân hàng này sẽ mua đồng rúp trên các sàn giao dịch và chuyển chúng sang tài khoản đặc biệt bằng đồng rúp của các nhà nhập khẩu. Đồng thời, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng và giá cố định trong các hợp đồng đã ký kết trước đó.
Ủy ban châu Âu (EC) ban đầu coi kế hoạch này là vi phạm lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, theo Bloomberg, EC đã ban hành các quy định mới. Theo đó, các nhà nhập khẩu châu Âu có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt của Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt đối với Moskva và mở tài khoản ngân hàng để thanh toán bằng loại tiền được quy định trong hợp đồng.
Nga đã lập danh sách các quốc gia “không thân thiện” vào tháng 5/2021, trong đó có Mỹ và một số nước châu Âu. Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine, Nga mở rộng danh sách lên khoảng 50 quốc gia, chủ yếu là các các nước đã áp lệnh trừng phạt với Moskva.