Trên tài khoản Telegram, bà nêu rõ một hội nghị thượng đỉnh của NATO về vấn đề này là cần thiết sau khi nhà báo Mỹ Seymour Hersh cũng như các nhà báo khác công bố các điều tra về sự liên quan của Mỹ trong các cuộc tấn công khủng bố ở đường ống dẫn khí đốt nói trên.
Trước đó, ngày 9/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng cần triển khai việc điều tra sau khi có thông tin cáo buộc Mỹ có liên quan đến các vụ nổ làm hư hại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc hồi năm ngoái.
Trao đổi với báo giới, ông Peskov cho rằng không nên bỏ qua những hành động tấn công nhằm vào các tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc mà không tiến hành điều tra và trừng phạt những đối tượng liên quan.
Theo ông, Nga đã nhiều lần nỗ lực tham gia vào cuộc điều tra tấn công khủng bố nhằm vào các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc nhưng đều bị từ chối. Nga chưa bao giờ được phép tham gia cuộc điều tra quốc tế về vụ việc này. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan của Nga vẫn "đưa vấn đề này vào chương trình làm việc".
Phía Nga đưa ra quan điểm trên sau khi nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh cho rằng Washington đứng sau vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo thông tin đăng trên blog cá nhân của nhà báo Hersh, các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Mỹ với sự giúp đỡ của Na Uy đã cài chất nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy dưới biển Baltic giữa Nga và Đức vào tháng 6/2022. Các vụ nổ xảy ra sau đó 3 tháng đã làm hư hại hệ thống đường ống dẫn này.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson tuyên bố thông tin trên của nhà báo Hersh là "hoàn toàn hư cấu". Trong một động thái tương tự, người phát ngôn của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) gọi những thông tin này là "hoàn toàn sai sự thật". Bộ Ngoại giao Na Uy cũng bác bỏ các thông tin của nhà báo Hersh.
Sau các vụ nổ lớn hồi tháng 9/2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Trong số này, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ này. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào.