Trong một cuộc họp báo ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chỉ có người dân Crưm (Cremia) mới có thể quyết định tương lai của mình. Quan điểm dứt khoát này được ông Putin đưa ra trong bối cảnh dư luận đồn đoán về khả năng Nga sáp nhập bán đảo tự trị này vào lãnh thổ của mình. Trong khi đó, quan hệ Nga - phương Tây đang rất căng thẳng do những diễn biến mới nhất về tình hình Ukraine.
Nga tôn trọng quan điểm của Crưm
Trước việc nhiều người dân Crưm bày tỏ muốn khu vực này là một phần của Nga, Tổng thống Putin tuyên bố: Nga không xem xét việc Crưm sáp nhập vào Nga và sẽ không khuyến khích quan điểm này. Điều Nga đang làm là bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine và Nga có quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ công dân Nga tại đây.
Tổng thống Putin trong cuộc họp báo ngày 4/3. |
Tổng thống Nga cũng bác bỏ thông tin cho rằng Nga đã đưa quân vào Crưm. Ông cho rằng hiện chưa cần phải đưa quân vào Ukraine và Nga sẽ chỉ dùng lực lượng quân sự ở Ukraine trong trường hợp cuối cùng. Khi được hỏi về nguy cơ châm ngòi chiến tranh nếu đưa quân vào Ukraine, ông Putin cho biết Nga không định gây chiến tranh với người Ukraine.
Về hoạt động của quân Nga tại Crưm, một chuyên gia quân sự Nga khẳng định mọi thứ đều không có gì bất thường và không thể gọi đó là gây hấn. Nga có quyền triển khai tới 25.000 quân ở Crưm theo thỏa thuận đã ký với Ukraine từ giữa những năm 1990 và hiện chỉ có 18.000 quân Nga có mặt tại đây. Tất cả đều ở Hạm đội Biển Đen và không đe dọa tới Ukraine.
Đánh giá về cuộc chính biến vừa xảy ra ở thủ đô Kiev của Ukraine, Tổng thống Putin nói: Chỉ có thể có một nhận định duy nhất về những gì đã diễn ra ở Kiev và Ukraine nói chung rằng đây là một cuộc tiếm quyền có vũ trang vi hiến.
Về số phận của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, ông Putin nhận định: Vào thời điểm ký kết thỏa thuận ngày 21/2 với phe đối lập Ukraine, ông Yanukovych thực chất đã từ bỏ quyền lực. Mặc dù vẫn là tổng thống hợp hiến của Ukraine, nhưng ông Yanukovych hiện không còn quyền lực và “sẽ không có tương lai chính trị”, không có cơ hội được bầu lại ở đất nước. Tổng thống Yanukovych có thể sẽ bị giết hại nếu không được tị nạn và Nga đã cho ông này tị nạn vì động cơ nhân đạo.
Một người vẫy cờ Nga trước trụ sở hải quân Ukraine ở Sevastopol. |
Trong khi đó, tại Crưm, các lực lượng ủng hộ Nga vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Còn tại thủ đô Kiev, chính quyền lâm thời đã chủ động giảm căng thẳng khi Thủ tướng tạm quyền Ukraine cho rằng Nga và Ukraine đã đi qua đỉnh điểm của khủng hoảng. Quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deschytsia khẳng định Ukraine không muốn chống lại người Nga.
Căng thẳng quanh G8
Nguy cơ xảy ra xung đột tại bán đảo Crưm đang đẩy mâu thuẫn giữa Nga và các nước phương Tây lên một mức mới. Ngày 3/3, các đối tác của Nga trong G8 (gồm Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản) đã tuyên bố tạm ngừng công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm, dự kiến diễn ra tại thành phố Sochi vào ngày 4 - 5/6 tới, để phản đối hành động của Nga, đồng thời kêu gọi Nga đàm phán trực tiếp với Ukraine. Tuy nhiên, thông cáo của các đối tác G8 không nói rằng họ sẽ tẩy chay hội nghị thượng đỉnh Sochi.
Không chỉ gây sức ép với Nga thông qua G8i, EU còn tuyên bố có thể ngưng các cuộc đàm phán về thị thực với Nga và áp dụng hạn chế nhập cảnh đối với một số quan chức Nga nếu Nga không có biện pháp giảm căng thẳng tại Ukraine.
Các quan chức Mỹ còn nhìn nhận khả năng Nga can dự quân sự ở Ukraine chỉ cho thấy một điều là Nga không muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng phương thức ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dọa sẽ trừng phạt Nga “trong tuần này”. Trước đó, Mỹ đã quyết định ngừng hợp tác quân sự, bao gồm tập trận, thăm viếng tàu hải quân, trao đổi đoàn... và cũng ngừng các cuộc đàm phán về thương mại và đầu tư với Nga.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/3 ra tuyên bố khẳng định việc các đối tác G8 ngừng hoạt động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm là vô căn cứ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nêu rõ: Quyết định trên không chỉ sai lầm về mặt chính trị mà còn đi ngược lại các nguyên tắc về sự hợp tác mang tính xây dựng trong G8. Nó không chỉ làm tổn hại các nước thành viên mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng quốc tế. Theo ông Lukashevich, Nga đã nhiều lần đưa ra những giải thích cần thiết thông qua các kênh khác nhau và ở mọi cấp độ liên quan đến tình hình Ukraine và Nga sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực chung trong khuôn khổ G8.
Đã xuất hiện những tiếng nói kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama cẩn trọng trong các quyết định của mình. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo: Nhà Trắng nên cân nhắc kỹ mọi phản ứng đối với Nga; Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu các đối tác ở châu Âu tuy nói “cứng”, nhưng hành động không đủ mạnh, do còn nhiều ràng buộc trong quan hệ với Nga.
Thanh Dương (tổng hợp)