Phát biểu ngày 27/8, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nêu rõ: "Chúng tôi có một gói các biện pháp về cách thức sẽ đáp trả nếu những quyết định (trừng phạt) như vậy được đưa ra, song chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra".
Trước đó, hồi đầu tháng này, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã trình Thượng viện Mỹ xem xét dự luật về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm giao dịch đối với các trái phiếu nợ quốc gia mới của Nga. Mỹ đã cân nhắc khả năng này, tuy nhiên hồi tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc trừng phạt nhằm vào nợ chính phủ của Nga sẽ gây ra những hậu quả khó lường không chỉ đối với Nga mà còn đối với thị trường tài chính toàn cầu cũng như các nhà đầu tư Mỹ.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga đã gây phức tạp hơn cho các cơ hội đối thoại về một loạt vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước. Theo bà Zakharova, các biện pháp trừng phạt không thể buộc Nga phải từ bỏ con đường kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia. Do đó, những động thái như vậy của Washington không góp phần thúc đẩy đối thoại song phương một cách văn minh và tôn trọng nhau.
Bà Zakharova cho biết thêm việc Mỹ áp đặt trừng phạt Nga với cáo buộc vô căn cứ liên quan đến vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm làm xói mòn những nguyên tắc quốc tế về kiểm soát và không phổ biến vũ khí, bao gồm cả quy định cấm vũ khí hóa học.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Điện Kremlin đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới để quyết định cách đáp trả Mỹ.
Gói biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp dụng chống Moskva liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal có hiệu lực từ ngày 27/8. Theo đó, Mỹ chấm dứt các hoạt động hỗ trợ, hoạt động buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số công nghệ và mặt hàng an ninh.