Người đứng đầu RDIF, ông Kiril Dmitriev nói :"Chúng tôi đang chứng minh dựa trên số liệu rằng chúng tôi có một loại vaccine rất hiệu quả". RDIP khẳng định không có tác dụng phụ nghiêm trọng được ghi nhận trong thử nghiệm giai đoạn III vaccine Sputnik V.
Kết quả thử nghiệm trên dựa trên số liệu từ 16.000 người tham gia thử nghiệm đầu tiên nhận được cả 2 mũi tiêm vaccine Sputnik V cách nhau 21 ngày.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya - đơn vị bào chế vaccine Sputnik V, khẳng định: "Việc công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng sau đăng ký chứng tỏ tính thuyết phục và hiệu quả của vaccine mở đường cho chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Nga trong những tuần tới".
Nga đăng ký vaccine Sputnik V để sử dụng cho công chúng hồi tháng 8 và bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vào tháng 9. Thử nghiệm giai đoạn III loại vaccine này diễn ra tại 29 bệnh viện tại thủ đô Mosvka và có 40.000 người tình nguyện tham gia, với 1/4 số người này được tiêm giả dược. Kết quả cho thấy khả năng nhiễm COVID-19 ở những người được tiêm vaccine Sputnik V giảm 92% so với những người được tiêm giả dược. Con số này cao hơn mức hiệu quả 50% đối với vaccine phòng COVID-19 do Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đặt ra.
Thông báo của Nga đưa ra ngay sau hai hãng dược phẩm là Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) công bố loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn III thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối. Theo những kết quả sơ bộ, vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất.
Trong ngày 11/1, Nga thông báo ghi nhận 19.851 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.836.960 ca. Nga cũng thông báo có thêm 432 ca tử vong trong 24 giờ qua, số ca tử vong ngày cao nhất trong ngày đến nay. Tuy nhiên, nhà chức trách Nga khẳng định rằng các biện pháo hạn chế nghiêm ngặt như mùa Xuân sẽ không áp dụng lại.