Kênh RT ngày 24/11 dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roskosmos) – ông Dmitry Rogozin hóm hỉnh nói: “Chúng tôi đã đặt nhiệm vụ tới Mặt Trăng và kiểm tra xem họ có thực sự đặt chân lên đó. Người Mỹ nói rằng họ đã hiện diện trên Mặt Trăng và chúng tôi sẽ kiểm nghiệm điều này”.
Sau đó, ông Dmitry Rogozin khẳng định rằng hiện tại chưa có quốc gia nào đủ tiềm năng tự mình hoàn thành chương trình Mặt Trăng thành công. Do đó, Nga dự kiến hợp tác với Mỹ để khám phá Mặt Trăng. Ông Rogozin đồng thời tuyên bố phi hành gia Nga sẽ đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên vào khoảng đầu những năm 2030. Sứ mệnh này sẽ kéo dài trong 14 ngày.
Ngoài ra, Nga còn dự định thành lập trạm không gian xoay quanh Mặt Trăng hỗ trợ cho chương trình này.
Vào đầu tháng 11, ông Rogozin từng nói rằng Nga có mục tiêu xây dựng một cơ sở dài hạn trên Mặt Trăng từ sau năm 2025. Dự án này sẽ vượt quy mô chương trình “Apollo” của Mỹ (1960-1972). Các phi hành gia Nga dự kiến sẽ ghé thăm cơ sở này trong khi robot điều khiển từ xa lại “định cư” ở đây dài hạn.
Ngày 21/7/1969, phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đã đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng nhưng điều này vẫn gây ra nhiều ý kiến hoài nghi. Có nhận định cho rằng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã dàn dựng sự kiện này để có thể “vượt mặt” Liên Xô. Trước đó, ngày 12/4/1961, phi hành gia Liên Xô Yury Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Theo nhiều cuộc khảo sát khác nhau, kết quả trung bình cho thấy khoảng 7-20% người Mỹ tin rằng chương trình Mặt Trăng của quốc gia này thực chất là trò đánh lừa.