Theo hãng tin TASS của Nga, phát biểu ngày 4/4, Đại sứ Yerkhov nhấn mạnh Moskva đánh giá cao các nỗ lực của Ankara nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận. Ông cho rằng sẽ là sai lầm khi mong đợi rằng "tất cả các vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết trong 'một sớm một chiều'...".
Trong khi đó, Giáo sư Khoa học chính trị Marco Revelli thuộc Đại học Đông phương Piedmont, Italy, nhận định về vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome, Giáo sư Revelli cho rằng có hai nguyên nhân khiến Nga và Ukraine lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức đàm phán. Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm đến việc chấm dứt sớm cuộc xung đột Nga-Ukraine vì chiến sự đang diễn ra ngay gần Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến cả khu vực Biển Đen - nơi Ankara có rất nhiều lợi ích. Bên cạnh đó, dù là một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga, qua đó, thể hiện Ankara là một nhân tố hết sức trung lập.
Giáo sư Revelli cũng lấy làm tiếc khi Liên minh châu Âu (EU) đã tự loại bỏ vai trò làm trung gian hòa giải khi tham gia áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.
Về khả năng diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Giáo sư Revelli nhận định điều này chỉ diễn ra sau khi đàm phán thành công. Theo ông, đây là giải pháp không chỉ các bên liên quan mà cả nhiều nước khác đều trông đợi.
Cuộc đàm phán Nga-Ukraine, diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/3 được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine. Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết LB Nga đã nhận được văn bản đề xuất của Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên. Ông nói thêm rằng sau khi xem xét các sáng kiến này, Moskva sẽ đưa ra các đề xuất phản hồi.