Trong thập kỷ qua, châu Phi trở thành một mặt trận cạnh tranh địa chiến lược giữa các bên trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Ấn Độ, Hàn Quốc và các quốc gia vùng Vịnh cũng đều thể hiện mối quan tâm tới châu lục này. Nga không phải là một ngoại lệ.
“Chúng tôi có những đề xuất muốn gửi tới những người bạn châu Phi. Nội dung cụ thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Và tất nhiên, chúng tôi sẽ cùng với các đối tác châu Phi duy trì các lợi ích kinh tế chung và bảo vệ họ khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương, bao gồm bằng cách giảm ưu thế của đồng USD và chuyển sang các loại tiền tệ khác trong giao dịch”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn TASS.
Nhà lãnh đạo Nga hy vọng hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại Sochi dự kiến đón hơn 3.000 quan khách, trong đó có tổng thống và thủ tướng thuộc 44 quốc gia châu Phi, sẽ là cơ hội để ông thực hiện mục tiêu này.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Nga hoan nghênh nhiều chức sắc châu Phi cùng lúc như vậy. Thậm chí phần nghi thức, Tổng thống Putin sẽ bắt tay và có lời chào xã giao tới từng nhà lãnh đạo, dự kiến kéo dài ít nhất 1 giờ đồng hồ. Sau đó, theo lịch trình, Tổng thống Putin sẽ tham gia một loạt cuộc hội đàm với hơn chục lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.
Hội nghị thượng đỉnh cấp cao Nga-châu Phi lần này được cho là kết quả của những nỗ lực ngoại giao trong nhiều năm qua nhằm tăng cường sự hiện diện của Nga trong khu vực. Moskva tin rằng khu vực có trong tay nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là khi so sánh với những đối tác khác.
Theo thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương Nga - châu Phi năm 2018 là 20 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2010. Moskva cũng gây dựng được một vị thế về kinh tế bền vững tại một số quốc gia châu Phi như Ai Cập, Algeria, Morocco, Nam Phi và Tunisia.
Cụ thể, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sang Ai Cập là lúa mì. Nga đã biến thành một nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới sau cuộc chiến trừng phạt qua lại với EU dẫn đến việc đóng cửa thị trường Nga đối với các sản phẩm lương thực-thực phẩm châu Âu. Cuộc chiến thúc đẩy ngành nông nghiệp Nga và buộc Moskva tìm kiếm thị trường mới.
Một lĩnh vực khác mà Nga có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia khác tại châu Phi là ngành kỹ thuật hạt nhân dân sự. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập El Dabaa do chính các kỹ sư Nga chế tạo và đầu tư. Trước đó trong tháng 4, Ethiopia nhất trí mở một cơ sở hạt nhân Nga dự bàn về kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân.
Về vũ khí, Nga hiện đạt được các thỏa thuận buôn bán vũ khí với hơn 30 quốc gia châu Phi. Ai Cập rục rịch triển khai dây chuyền sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 tiên tiến của Nga. Angola vào tháng 4 đã nhận được lô máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30K cuối cùng. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính doanh số từ các thương vụ vũ khí của Nga bán cho các nước châu Phi đã tăng gấp đôi từ năm 2012 đến 2017, bỏ lại Mỹ và Trung Quốc tụt lại phía sau.
Lợi thế từ lịch sử
Trong quá khứ, Nga và châu Phi không có mối quan hệ rạn nứt vì cơ chế thuộc địa. Thậm chí, Liên bang Xô viết còn ủng hộ phong trào giành độc lập trên khắp châu Phi khi các quốc gia châu Âu rút quân khỏi châu lục.
Trong những năm 1960, Moskva cung cấp hệ thống giáo dục miễn phí cho hàng nghìn người châu Phi. Các kỹ sự và kỹ thuật viên được đào tạo tại Liên Xô trở thành lực lượng chính trong các cơ sở hạ tầng Xô Viết xây dựng tại các quốc gia châu Phi, trong khi sĩ quan trở về từ Liên Xô đảm nhiệm vị trí chỉ huy quân đội các quốc gia châu Phi.
Năm ngoái, khoảng 17.000 sinh viên thuộc hơn 50 quốc gia châu Phi tới Nga du học, trong đó có 4.000 giành được học bổng từ Chính phủ Nga. Hàng trăm người khác được tài trợ bởi các công ty Nga đầu tư vào các dự án năng lượng và khoáng sản ở châu Phi, với mục đích hình thành một đội ngũ nhân viên được đào tạo được tuyển dụng từ người dân địa phương.