Trước đó, ngày 28/1, Tổng thống Nga Valdimir Putin cho biết trong phản hồi, Mỹ và NATO đã không tháo gỡ được những quan ngại chính của Nga nêu trong đề xuất an ninh trước đó, tuy nhiên Moskva sẵn sàng duy trì các cuộc đàm phán.
Trong phát biểu mới nhất trên truyền hình, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh thông qua Bộ Ngoại giao, Nga đang gửi đi đề nghị chính thức tới NATO và Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu (OSCE), kêu gọi các tổ chức này làm rõ ý định triển khai các cam kết không củng cố an ninh của tổ chức theo những cách có thể tổn hại tới an ninh của các bên khác. Nếu các tổ chức này không có ý định thực hiện cam kết thì nên giải thích rõ lý do.
Ông Lavrov nhấn mạnh đây là một đề nghị quan trọng sẽ định hình các đề xuất tiếp theo mà Bộ Ngoại giao Nga sẽ đệ trình lên Tổng thống Vladimir Putin. Theo ông Lavrov, Nga không chỉ tìm kiếm những cam kết từ các nước phương Tây mà còn muốn thấy những đảm bảo an ninh có ràng buộc về pháp lý, để đảm bảo an ninh cho toàn châu Âu, với sự tôn trọng một cách công bằng và đầy đủ những lợi ích hợp pháp của Nga. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại rằng với Mỹ, Nga muốn có mối quan hệ tốt đẹp, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giống như với mọi quốc gia trên thế giới.
Trong các đề xuất an ninh trước đó, Nga đã yêu cầu NATO rút quân và vũ khí triển khai ở Đông Âu cũng như không để nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh. Mỹ và các đồng minh NATO đã bác bỏ quan điểm này nhưng cho biết sẵn sàng thảo luận về các chủ đề khác như kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin. Trong phát biểu mới, ông Lavrov cho rằng NATO vẫn tiếp tục điều động binh lính về phía Đông và đã tiến rất gần nước láng giềng Ukraine.
Ngoại trưởng Nga khẳng định Ukraine chưa sẵn sàng tham gia NATO và sẽ không có vai trò gì trong việc củng cố an ninh NATO. Về vấn đề này, ngày 30/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh không có kế hoạch triển khai binh sĩ chiến đấu tới Ukraine khi quốc gia không phải thành viên, đồng thời nêu rõ khối đang tập trung cho các hoạt động cung cấp hỗ trợ. Tổng thư ký NATO nhắc lại Ukraine là đối tác mạnh và được NATO đánh giá cao.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 30/1 thông báo trong tuần này London sẽ công bố dự luật mới nhằm mở rộng quy mô các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Nga do quan ngại tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine.
Phát biểu trên Sky News, Ngoại trưởng Truss nêu rõ trước đó, chỉ có những công ty bị cáo buộc tham gia hoạt động làm bất ổn tình hình ở Ukraine mới bị trừng phạt nhưng trong kế hoạch sắp tới, Anh dự định mở rộng trừng phạt các tổ chức tài chính, các công ty năng lượng và những doanh nhân hàng đầu của Nga mà London cho là cho liên hệ mật thiết với chính phủ.
Trước đó, ngày 29/1, Chính phủ Anh thông báo cân nhắc thực hiện đợt triển khai quân quy mô lớn tham gia lực lượng NATO như một phần kế hoạch để củng cố các đường biên giới ngoài của châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson có kế hoạch thăm khu vực trong tuần tới và sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.