Nga để ngỏ hợp tác với OPEC

Ngày 10/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Moskva vẫn để ngỏ việc hợp tác sâu hơn với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ.

Chú thích ảnh
Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom tại Cape Kamenny ở ngoài khơi vùng Vịnh Ob thuộc Khu tự trị Yamalo-Nenets, cách thị trấn Nadym (miền bắc Nga) 250 km về phía bắc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Novak khẳng định việc cắt giảm sản lượng không đồng nghĩa rằng OPEC và các nước ngoài nhóm không thể hợp tác nữa. Ông nêu rõ nếu cần, Nga vẫn sẽ có thể tận dụng các công cụ khác, bao gồm cả việc tăng hoặc giảm sản lượng và các thỏa thuận mới vẫn có triển vọng đạt được.

Theo kế hoạch, Nga sẽ đánh giá tình hình thị trường tại các cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Novak cũng xác nhận các hạn chế về sản lượng của Nga sẽ được dỡ bỏ vào ngày 1/4 tới khi thỏa thuận giữa OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác hết hạn.

Trong khi đó, các nguồn thạo tin cho biết Bộ Năng lượng Nga sẽ có cuộc họp với các công ty dầu khí nước này để thảo luận về việc hợp tác trong tương lai với OPEC.

Cùng ngày, tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia thông báo sẽ tăng nguồn cung cấp dầu thô lên tới 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng 4 tới. Công ty hy vọng điều này sẽ tạo ra một tác động tài chính tích cực và dài hạn.

Giá “vàng đen” đã giảm mạnh trong bối cảnh OPEC và Nga tuần trước không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác. Moskva từ chối hỗ trợ OPEC giảm sản lượng dầu mạnh hơn để đối phó với nhu cầu giảm đáng kể do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với hoạt động kinh tế và du lịch. Sau cuộc họp này, cả Saudi Arabia và Nga đều tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác dầu, khiến nguồn cung dầu toàn cầu có thể dôi dư quá mức.

Đặng Ánh (TTXVN)
Hỗn loạn giá dầu, Goldman Sachs cảnh báo mốc 20 USD/thùng
Hỗn loạn giá dầu, Goldman Sachs cảnh báo mốc 20 USD/thùng

Giá dầu đã giảm hơn 30% trong phiên giao dịch ngày 9/3 chứng kiến đợt lao dốc mạnh thứ hai trong lịch sử, xếp sau cuộc khủng hoảng thời Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN