Theo kênh truyền hình RT, Nga hiện hối thúc cộng đồng quốc tế sửa đổi Công ước Vũ khí Sinh học (BWC), đưa ra 3 sáng kiến nhằm củng cố thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt và khiến nó có tính ràng buộc pháp lý hơn đối với các bên tham gia. Các đề xuất đã được Igor Kirillov, người đứng đầu Lực lượng Phòng thủ Hóa học và Sinh học Hạt nhân của Nga, công bố ngày 19/9.
Các đề xuất được đưa ra sau cuộc họp của các quốc gia thành viên BCW tổ chức tại Geneva vào đầu tháng này. Tại cuộc họp, Moskva đã cáo buộc Washington và Kiev vi phạm thỏa thuận.
Nga đã đưa ra cáo buộc đối với hai nước, cho rằng họ đã tiến hành nghiên cứu vũ khí sinh học bí mật trên lãnh thổ Ukraine từ các bằng chứng mà phía Nga đã thu được khi tiến hành chiến dịch quân sự.
“Những bên tham gia cuộc họp đã được Bộ Quốc phòng Nga cung cấp bản sao của các tài liệu buộc tội và bằng chứng”, ông Kirillov nói và cho biết thêm không ai trong số các phái đoàn có nghi ngờ nào về tính xác thực của các tài liệu được đệ trình.
Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp, các quốc gia thành viên BWC không đưa ra được bất kỳ kết quả rõ ràng nào. Do không có thay đổi trong phản ứng của các thành viên, Nga đã đề xuất loạt thay đổi đối với thỏa thuận BWC để thỏa thuận ràng buộc hơn về mặt pháp lý.
Cụ thể, Nga kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán về một nghị định thư ràng buộc pháp lý với thỏa thuận, bao gồm danh sách các loài vi sinh vật, chất độc, thiết bị và cung cấp một cơ chế xác minh hiệu quả. Nga gợi ý danh sách được đưa ra để đối chiếu tương tự như danh sách các chất bị cấm theo Công ước Vũ khí Hóa học (CWC).
Moskva cũng kêu gọi thành lập một ủy ban cố vấn khoa học chung đại diện về mặt địa lý cho các bên. Bên cạnh đó, Nga đề xuất một cơ chế kiểm soát minh bạch hơn bằng việc bổ sung các biện pháp xây dựng lòng tin, đề nghị những nước ký kết thỏa thuận BWC phải có nghĩa vụ khai báo các hoạt động trong lĩnh vực sinh học bên ngoài lãnh thổ quốc gia mình.
Về phần mình, Mỹ cho rằng Nga đang sử dụng các cáo buộc sai lệch cho rằng nước này phát triển vũ khí sinh học như một cách để biện minh cho hoạt động quân sự ở Ukraine. Trong một tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc họp tại Geneva kết thúc với kết quả đại biểu của 35 trong số 89 quốc gia bác bỏ các tuyên bố của Nga và bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án nghiên cứu mà Mỹ và Ukraine đang tiến hành. Chỉ có 7 quốc gia bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga là Belarus, Trung Quốc, Cuba, Iran, Nicaragua, Syria và Venezuela.
Hồi tháng 3, Liên hợp quốc nói rằng họ không biết về chương trình giữa Mỹ và Ukraine, cũng như không có nhiệm vụ và năng lực pháp lý để điều tra. Đến tháng 5, Liên hợp quốc giữ nguyên tuyên bố ban đầu.