Bà Zakharova cho rằng vụ bắt giữ ông Assange ngày 11/4 đã đi vào lịch sử như trường hợp vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận, và Nga sẽ đưa trường hợp này ra các tổ chức quốc tế, song rất cần phải có ý kiến của các tổ chức nghề nghiệp báo chí về tình huống chưa từng có tiền lệ này.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ecuador quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của ông Assange. Sau đó, cảnh sát Anh đã bắt giữ ông Assange, qua đó đưa ông này ra đối diện với các cơ quan tư pháp tại Anh sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London. Ngay trong ngày 11/4, nhà sáng lập trang web WikiLeaks đã bị cảnh sát Anh đưa ra trình diện tại tòa án Westminster ở thủ đô London.
Tại phiên tòa, thẩm phán đã kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. Ông Assange có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này.
Hiện ông Assange cũng bị các công tố viên Mỹ buộc tội âm mưu xâm nhập máy tính chứa nhiều thông tin tuyệt mật của Chính phủ Mỹ cùng nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning năm 2010.
Cáo trạng của các công tố viên Mỹ nêu rõ hồi tháng 3/2010, ông Assange đã cấu kết với ông Manning - người đã bị bắt giam hồi tháng trước - cùng "bẻ" mật khẩu trên máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn có kết nối với Mạng lưới Giao thức Internet Bí mật (SIPRNet) - một hệ thống mà Chính phủ Mỹ sử dụng để lưu trữ thông tin mật. Theo các công tố viên Mỹ, ông Assange đã tải xuống các thông tin này, nhằm mục đích xuất bản chúng trên trang web WikiLeaks. Đây được xem là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nếu bị kết án tại Mỹ, ông Assange có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là 5 năm tù giam. Việc ông Assange bị bắt giữ tại Anh cũng đã mở đường cho khả năng ông này bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp ước dẫn độ giữa hai nước.
Luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks - ông Carlos Poveda cho rằng thân chủ của mình sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng nếu bị dẫn độ về Mỹ.