Báo “Thương gia” (Nga) cho biết, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN mới đây, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, nếu Mỹ không phê chuẩn Hiệp định cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới. Trước đó trong thông điệp liên bang 2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng nói đến khả năng xảy ra cuộc chạy đua vũ trang.
Thủ tướng Putin cảnh báo có thể sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới nếu Nga và NATO không thỏa thuận được việc cùng nhau tạo ra một lá chắn tên lửa, còn Mỹ thì không phê chuẩn START mới. Ông Putin nói: “Nếu như những câu trả lời cho các đề nghị của chúng tôi chỉ là những câu phủ định và dọc biên giới Nga xuất hiện thêm các mối đe dọa mới bởi hệ thống phòng thủ tên lửa, thì Nga sẽ buộc phải bảo đảm an ninh của mình bằng những phương tiện khác nhau, trong đó có việc lắp đặt các tổ hợp giáng trả mới, kỹ thuật tên lửa - hạt nhân mới”.
Thủ tướng Putin không phải là chính khách Nga đầu tiên đề cập tới khả năng quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể trở nên lạnh nhạt nếu như việc phê chuẩn START mới bị đổ vỡ và ở châu Âu xuất hiện hệ thống phòng thủ tên lửa mà chưa có sự thỏa thuận với Mátxcơva. Trong Thông điệp liên bang đọc trước Duma Quốc gia hôm 30/11, Tổng thống Medvedev cũng nói tới vấn đề này. Sau khi nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng cùng với các quốc gia quan tâm củng cố các cơ chế chống lại việc mở rộng hệ thống tên lửa và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), Tổng thống Medvedev nói: “Hoặc là chúng ta đạt được thỏa thuận về NMD và cùng nhau tạo ra một cơ chế hợp tác có đầy đủ giá trị pháp lý, hoặc là bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới”. Theo ông Medvedev, nếu như các bên không thể thỏa thuận được với nhau về vấn đề NMD thì trong 10 năm tới hoặc sớm hơn, một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể sẽ diễn ra.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Nga đưa ra những tuyên bố cứng rắn như vậy đối với Mỹ. Qua đó có thể thấy rằng Mátxcơva đặt ra cho Mỹ và NATO hai điều kiện chủ yếu: Thứ nhất là phê chuẩn START mới; thứ hai là phối hợp với Nga thành lập lá chắn tên lửa ở châu Âu, và đây là điều kiện đáng chú ý hơn. Cho đến nay, phương Tây chưa đáp lại sáng kiến do phía Nga nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Lixbon (Bồ Đào Nha) về phân chia các khu vực chịu trách nhiệm phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nói rằng trên lý thuyết, Nga có thể bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu quân sự mới với Mỹ, nhưng việc này sẽ làm cho Nga thiệt hại đáng kể. Tất nhiên, Nga buộc phải “lên gân”, nhưng xét cả về mặt tài chính lẫn sản xuất, Nga khó có thể tăng số lượng các vũ khí mang tính chiến lược. Mặt khác, việc này còn kìm hãm đáng kể sự phát triển của các lực lượng khác.
Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, nói: "Để tăng cường các lực lượng hạt nhân đòi hỏi phải tăng công suất của nhà máy ở Votkinsk. Việc này đòi hỏi phải có kinh phí. Buộc phải lấy tiền hoặc là từ các chương trình phát triển, hoặc là từ ngân khoản của Bộ Quốc phòng. Do đó, sẽ phải giảm nhịp độ đổi mới trang bị cho các lực lượng khác. Hiện nay nhiệm vụ đặt ra là phải đổi mới trang bị. Nếu chúng ta chạy đua vũ trang thì tất cả mọi việc sẽ phải gác lại”.
Các nghị sĩ Nga được hỏi cũng tin rằng tốt nhất là nên tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nghị sĩ Margelov nói: “Sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây thì không có một nền kinh tế nào trên thế giới có thể cho phép chạy đua vũ trang. Trong cuộc chạy đua vũ trang này sẽ không có người chiến thắng”. Còn ông Ghennadi Gudkov, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Đuma Quốc gia Nga, nhắc lại cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ trước đây, và cảnh báo nếu xảy ra cuộc chạy đua vũ trang thì những tổn thất của Mátxcơva là cực lớn. Ở Nga, việc giá dầu mỏ suy giảm đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng, chưa nói đến chạy đua vũ trang.
Vì vậy, tuyên bố của Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev chỉ là những lời đe dọa mang tính chính trị, nhằm tác động tới việc Mỹ phê chuẩn START mới mà thôi.
Cường Dũng (P/v TTXVN tại LB Nga)