“Việc khởi công xây dựng lò phản ứng đầu tiên của nhà máy điện El Dabaa có nghĩa là Ai Cập đang gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân trên thế giới”, đài RT (Nga) dẫn lời ông Alexey Likhachyov, Giám đốc điều hành Rosatom, cho biết tại buổi lễ khởi công xây dựng.
Nằm trên bờ biển phía bắc của Ai Cập, cách Cairo khoảng 130 km về phía tây bắc, El Dabaa sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập. Đồng thời, đây cũng là dự án lớn đầu tiên của Rosatom ở châu Phi. Nhà máy này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028, có 4 lò phản ứng VVER-1200 với tổng công suất 4.800 megawatt.
Chi phí xây dựng nhà máy này do Moskva và Cairo đồng tài trợ. Trong đó, Chính phủ Nga hỗ trợ 85% trong số tổng chi phí 30 tỷ USD dưới hình thức vay nhà nước. Phần còn lại sẽ do Ai Cập tài trợ với sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư tư nhân.
Theo các điều khoản thỏa thuận mà hai nước đã ký kết, Rosatom cũng sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy trong suốt thời gian 60 năm thiết kế. Đồng thời, công ty Nga cũng hỗ trợ bảo trì và sửa chữa nhà máy này trong 10 năm sau khi khởi động các lò phản ứng.
Nhà máy điện hạt nhân El Dabaa được coi là nền tảng của chính sách đa dạng hóa năng lượng của Ai Cập, không chỉ giúp Cairo đáp ứng nhu cầu điện trong nước, mà còn cung cấp năng lượng cho các quốc gia láng giềng. Ai Cập đã đầu tư 18,77 tỷ USD vào các dự án năng lượng từ năm 2014 đến năm 2021. Hiện nay, Ai Cập sản xuất 30.000 megawatt điện.
Ngoài ra, công ty sẽ đào tạo nhân viên cho nhà máy điện. Nhóm nhân viên El Dabaa tương lai đầu tiên đã bắt đầu được đào tạo tại chi nhánh Saint-Petersburg của Học viện Kỹ thuật của Rosatom từ tháng 9/2021. Rosatom dự kiến sẽ đào tạo tổng cộng 1.700 chuyên gia cho nhà máy, cả tại học viện trên và tại cơ sở đào tạo của chính nhà máy ở Ai Cập.
Giáo sư Layla Fikry, cựu Phó chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Ai Cập (EAEA), cho rằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ed Dabaa là thành tựu chiến lược quan trọng đối với quốc gia này. Ông bình luận: “Trong những thập kỷ gần đây, đa dạng hóa các nguồn năng lượng là mục tiêu chính của chúng tôi. Và bây giờ chúng tôi đang thực hiện bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này. Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử đối với Ai Cập”.
Tham gia vào một số dự án quốc tế quy mô lớn, Tập đoàn Rosatom đã không phải là mục tiêu của lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận xây dựng nhà máy điện của Rosatom với Tập đoàn Fennovoima của Phần Lan bị hủy bỏ vào tháng 5. Động thái này được chứng minh là cần thiết do những rủi ro liên quan đến xung đột.