Theo Điện Kremlin, tuần trước, bác sĩ Denis Protsenko đã đưa Tổng thống Putin đi thăm bệnh viện chính chữa cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở thủ đô Moskva và có bắt tay nhà lãnh đạo. Bác sĩ Protsenko đang tự cách ly tại văn phòng.
Cũng theo Điện Kremlin, hiện Tổng thống Putin vẫn mạnh khỏe và đang giữ khoảng cách với những người khác, đồng thời chỉ đạo công việc từ xa.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga cho biết đã ghi nhận thêm 440 trường hợp mới mắc COVID-19 tại 35 tỉnh, thành của Nga, giảm 60 trường hợp so với ngày 31/3. Như vậy, tổng số người mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên 2.777.
Tại thủ đô Moskva, tỉnh Moskva, thành phố St. Petersburg và hàng chục tỉnh khác đã áp dụng chế độ tự cách ly bắt buộc, hạn chế đi lại của người dân. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Rospotrebnadzor cũng yêu cầu người dân tuân thủ giữ khoảng cách trong xã hội ít nhất 1m khi tiếp xúc.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Chính quyền liên bang Thụy Sĩ đã thành lập một đội đặc nhiệm khoa học để tư vấn cho Hội đồng Liên bang và phối hợp các nghiên cứu quốc gia của các trường đại học về virus SARS-CoV-2.
Thông báo của chính phủ công bố ngày 31/3 cho biết đội đặc nhiệm khoa học về COVID-19 sẽ do ông Matthias Egger, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sĩ (SNSF), phụ trách. Đội đặc nhiệm khoa học sẽ tư vấn cho chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên bang và bang khác có liên quan. Nhóm này sẽ xác định các lĩnh vực nghiên cứu và các biện pháp hoặc sản phẩm đặc biệt mà cộng đồng khoa học Thụy Sĩ có thể nhanh chóng đóng góp cho các nỗ lực toàn cầu để chống lại dịch COVID-19
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, cộng đồng khoa học Thụy Sĩ có tiềm năng to lớn cũng như ảnh hưởng tích cực thông qua việc nghiên cứu, đào tạo hoặc chuyển giao kiến thức. Cho đến nay, các nhà khoa học và công ty dược phẩm Thụy Sĩ đang đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để phát triển các phương pháp điều trị hoặc nghiên cứu vaccine.
Đội đặc nhiệm khoa học được thành lập theo lời kêu gọi của SNSF về việc nghiên cứu virus SARS-CoV-2 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và chuẩn bị cho khả năng xảy ra dịch bệnh trong tương lai. Một khoản tiền trị giá 5 triệu CHF (5,2 triệu USD) đã được dành cho các dự án này. Các khoản tài trợ cho mỗi dự án trong khoảng từ 50.000 - 300.000 CHF.
Trong khi đó, giới chức y tế Hà Lan đánh giá các biện pháp mà nước này đang triển khai nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 dường như đã chặn được đà lây lan của dịch bệnh và cần tiếp tục thực thi các biện pháp này nhằm mang lại hiệu quả thật sự.
Theo người đứng đầu Viện Y tế công cộng Hà Lan Jaap van Dissel, số ca mắc COVID-19 tại nước này - nơi đã ghi nhận hơn 1.000 người tử vong, đã giảm đáng kể kể từ sau khi chính phủ đóng cửa các trường học, nhà hàng và quán bar hồi tháng trước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các cơ quan chức năng có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống, bởi nếu như vậy, số ca mắc sẽ tăng trở lại.
Ông Dissel cũng đề cập tới thực trạng trong khi các ca nhiễm mới giảm thì số bệnh nhân phải hồi sức tích cực có thể tăng nhanh trong thời gian tới, và có thể đạt đỉnh khoảng 2.400 ca vào cuối tháng này. Các bệnh viện ở Hà Lan hiện có khoảng 1.600 giường chăm sóc tích cực và có thể tăng lên 2.400 giường vào ngày 5/4.